• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ

Thực hiện: Đức Hoàng | 22/03/2023

(Tổ Quốc) - Sau hơn 10 năm khai quật, khảo cổ, hiện Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cỏ dại mọc đầy, khiến di chỉ khảo cổ này càng thêm hoang phế.

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ có những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc Chăm; những di tích, di vật tìm được phản ánh đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chămpa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X đến thế kỷ XII. Với những giá trị đó, tại Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 27/11/2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã xếp hạng Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 1.

Qua các đợt khai quật, từ năm 2011 đến 2018, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ như là một tổ hợp kiến trúc gồm đền tháp chính và tháp cổng với tường bao quanh, phân bố trên một gò đất cao nằm gần một dòng chảy thuộc dòng sông Cẩm Lệ, trang trí mỹ thuật đẹp, là một trung tâm tôn giáo lớn, có khả năng được người Chămpa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỉ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 2.

Những nghiên cứu về di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ là những đóng góp quý báu cho việc tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc tháp; nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa trong tiến trình phát triển của nền văn hóa này, một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc trong lịch sử.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc các đợt khai quật, di tích Chăm Phong Lệ dường như bị "lãng quên", hiện trạng cỏ dại mọc um tùm bao phủ toàn bộ di tích này...

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 4.

Sống cạnh di tích, bà Phan Thị Cổ không khỏi xót xa khi hàng ngày chứng kiến di tích xuống cấp, cỏ dại um tùm...

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 5.

"Nghe nói nhà tôi thuộc diện di dời, giải tỏa để phục vụ dự án trùng tu, nâng cấp di tích, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Nếu phải di dời đi nơi khác để xây dựng Phong Lệ thành một không gian văn hóa, du lịch thì tôi sẽ chấp nhận đi để nhường đất”, bà Cổ chia sẻ.

Được biết, đầu năm 2023, UBND TP Đà Nẵng có quyết định điều chỉnh một số nội dung tại Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ. Tuy nhiên, hiện Đề án vẫn chưa triển khai, người dân sống trong khu vực quy hoạch của dự án vẫn mòn mỏi chờ di dời, giải tỏa đi nơi khác.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 7.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cho biết, về phía Sở đã hoàn thành hồ sơ trình UBND thành phố, chờ thành phố cho chủ trương đầu tư để làm, hy vọng sẽ triển khai trong năm nay.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 8.

Khu vực Hố thiêng tại Di tích Chăm Phong Lệ với cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất được che chắn bằng mái tôn và nhiều bao cát xung quanh hố.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 9.

...và được giăng dây khu vực cấm vào.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 10.

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (nguyên Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng), Di chỉ khảo cổ Phong Lệ có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển thành một không gian văn hóa - lịch sử - du lịch, là nơi tiêu biểu cho văn hóa Chăm ở Đà Nẵng. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị, việc này hiển nhiên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu có sự tham gia tích cực của nhiều ngành, đơn vị, chức năng có thẩm quyền thì có thể đẩy nhanh lộ trình thực hiện.

Cỏ dại bao phủ Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - Ảnh 11.

"Mong muốn ít nhất là giữ được hiện trạng này, và nhanh nhất là có những biện pháp cụ thể để bổ sung, bảo tồn, phát huy, để giá trị của di tích này được nhân lên, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa hiện nay”, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng chia sẻ.

Ngày 19/1/2023, UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định số 153/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh một số nội dung tại Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ. Trong đó, đặc biệt điều chỉnh mức vốn đầu tư gồm nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn kêu gọi đầu tư hợp pháp khác, tổng mức đầu tư dự kiến là 266.796.000.000 đồng; trong đó, vốn ngân sách để thực hiện giải tỏa đền bù, khảo cổ và đầu tư bảo tồn các hạng mục công trình tại Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (khu vực I và khu vực II), gồm: Công tác giải tỏa đền bù, khảo cổ và bảo vệ di tích tại khu vực I: 4.403.830.500 đồng; Triển khai đầu tư dự án giai đoạn 2022-2027, với kinh phí khoảng: 140.736.000.000 đồng. Vốn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa: Triển khai đầu tư giai đoạn 2028-2032, đầu tư các hạng mục phát huy giá trị di tích tại khu vực III với kinh phí khoảng: 121.656.280.000 đồng.

NỔI BẬT TRANG CHỦ