(Tổ Quốc) - Bên lề phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết, ông đã xem lịch sử tiền lương của cô giáo Lan. Nguyên nhân là do thời gian đóng ít và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp – chỉ 1,8 triệu đồng.
- 31.10.2017 Quốc hội bắt đầu 3 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội
- 31.10.2017 Đại biểu mang thuốc lá đến nghị trường để chứng minh buôn lậu diễn ra công khai
- 31.10.2017 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới thành hiện thực?
- 31.10.2017 Đại biểu Quốc hội đề xuất đổi giờ làm việc buổi sáng
Về vấn đề cô giáo Trương Thị Lan (quê Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận lương hưu chỉ hơn 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác đang được dư luận quan tâm, sáng nay (31/10), đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông đã xem lịch sử tiền lương của cô Lan. Nguyên nhân là do thời gian đóng ít và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên nền rất thấp – chỉ có 1,8 triệu đồng.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Nguồn: TTXVN) |
Cụ thể, cô Lan đi dạy 37 năm, nhưng giai đoạn đầu không có lương, không có hợp đồng và chỉ tham gia BHXH được 22 năm 8 tháng. Tiền lương tính bình quân của 22 năm 8 tháng, chia ra được hơn 1,8 triệu, khi nghỉ hưu được hưởng 69%, được chưa đến 1,3 triệu đồng/tháng.
Vì thế, theo đại biểu này, từ câu chuyện của cô giáo Lan, phải nghiên cứu cơ chế, phải giải thích để cho những người tham gia BHXH từ hôm nay thấy rằng, muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao. Thứ hai là thời gian đóng phải dài, để làm sao đủ 75% lương bình quân khi nghỉ hưu. Thứ ba phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH để ai khi hết tuổi lao động đều có lương hưu.
“Từ câu chuyện của cô Lan, phải rút ra, điều chỉnh cơ chế chính sách để làm sao người tham gia BHXH đảm bảo được cuộc sống khi về già. Rõ ràng 1,3 triệu đồng/tháng thì đời sống hết sức khó khăn, nhưng về chính sách thì đã tính đúng.
Bài toán đặt ra ở đây là nếu chính sách bảo hiểm của chúng ta như thế này thì sẽ không thu hút được người tham gia đóng BHXH. Khi về hưu rất thấp, không đủ sống”, đại biểu Lợi nhấn mạnh.
Đại biểu đến từ đoàn Thanh Hoá cũng nêu quan điểm, cải cách tiền lương phải đi kèm với cải cách BHXH, nếu không sẽ không giải quyết được. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là nguồn ở đâu để cải cách tiền lương, trong khi bộ máy nhân sự vẫn còn rất cồng kềnh.
Bên cạnh đó, tư duy về chính sách tiền lương hiện nay đang có mâu thuẫn. Ví dụ lực lượng quân đội hưởng lương 1,8. Khi đang cống hiến, đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì hưởng mức lương này không ai thắc mắc. Nhưng khi về hưu, phải quay về mặt bằng cùng các ngành khác, hai người có năng lực, chuyên môn, trình độ, cấp bậc như nhau… thì lương phải bằng nhau để không có sự chênh lệch, người quá cao, người quá thấp.
Người về hưu phải có mức sống tương đồng nhau, tối thiểu của người về hưu ít nhất phải bằng mức sống tối thiểu chung của xã hội, còn ai trần cao hơn, đóng góp cao hơn hưởng nhiều hơn.
Trong những ngày gần đây, phụ huynh, giáo viên, người dân tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh và cộng đồng mạng xã hội facebook đang xôn xao, bàn tán và tỏ rả khá bất ngờ trước thông tin, một giáo viên mầm non sau 37 năm công tác tại trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, khi nghỉ hưu nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng.
Sáng 30/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời báo chí về vụ việc này.
Bộ trưởng Nhạ cho biết ông đã nắm được việc này và Bộ GD-ĐT đã có đề xuất với các Bộ ngành liên quan để có điều chỉnh phù hợp. Thực ra đây không phải chỉ riêng giáo viên mầm non, một mình trường hợp cô Trương Thị Lan mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy cô.
Thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới sắp tới đây nên Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để có đánh giá một cách công bằng khi các thầy cô đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo được động lực.
Hiện Luật Giáo dục sửa đổi đang được xây dựng và theo kế hoạch tháng 5/2018 sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến và dự kiến tháng 10/2018 sẽ được Quốc hội thông qua. Hiện Bộ GD-ĐT đang tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề bất hợp lý để làm sao vị thế của giáo viên đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích các thầy cô, động viên được các thầy cô gắn bó, cống hiến cho ngành, cho xã hội./.
Hà Giang