• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cô giáo trường làng từ chối lời mời dạy học ở Canada và giấc mơ đưa học sinh nông thôn trở thành công dân toàn cầu

Văn hoá 14/08/2019 13:47

(Tổ Quốc) - Là giáo viên môn tiếng Anh ở trường huyện, lọt top 50 giáo viên toàn cầu, từ chối lời mời dạy học ở Canada, cô Trần Thị Thúy ấp ủ giấc mơ, đưa học sinh của mình thành công dân toàn cầu.

Trong số những cá nhân, tập thể tiêu biểu được tôn vinh tại triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ VHTTDL tổ chức nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cô giáo Trần Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả tham gia chương trình bởi tâm huyết với nghề giáo và nỗ lực hết lòng vì học sinh.

cô thúy

Cô giáo Trần Thị Thúy

Ra đi là để trở về

Cô Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông. Nhà nghèo, người anh cả học hết lớp 6 nghỉ để cùng bố mẹ lao động kiếm tiền, nhường cơ hội học tập cho hai em. Thúy lần đầu tiếp xúc tiếng Anh trong chương trình lớp 6. Những năm THCS còn lại, cô và các bạn không được học tiếp môn này do trường thiếu giáo viên.

"Một người anh họ là sinh viên Đại học Ngoại thương khi về chơi đã tặng tôi cuốn tạp chí song ngữ Sun Flower. Ở đó, tôi tìm thấy kiến thức thú vị ngoài tiết dạy của cô giáo nên tự mày mò học tiếng Anh vì nghĩ biết đâu có lúc dùng đến", cô Thúy nói.

Sở thích học ngoại ngữ theo Thúy suốt những năm THPT và là lựa chọn của cô để học tiếp đại học. Năm 2005, Thúy trở thành sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngày đó, ở xã Đức Hợp, hiếm có học sinh nào thi năm đầu đỗ ngành tiếng Anh của các trường lớn như vậy vì học sinh nơi đây chỉ được học ngoại ngữ hệ 3 năm, trong khi đề thi sử dụng kiến thức hệ 7 năm. Với nỗ lực của bản thân, Thúy đã vượt qua hạn chế của một sinh viên vùng nông thôn tiếp cận với môn học mới mẻ ở thời điểm đó. Nhiều hôm Thúy ở trên thư viện đến 8h tối. Cô cũng tận dụng tối đa những gì miễn phí để cải thiện trình độ. Trừ năm học đầu tiên bị đuối môn tiếng Anh so với các bạn cùng lớp, những năm sau Thúy đều được học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập loại giỏi.

Sau 4 năm Đại học, Thúy quyết định về quê, trở thành cô giáo tiếng Anh trong chính ngôi trường mà mình đã theo học thời phổ thông.

aco_thuy_1_mcsn

Cô giáo Trần Thị Thúy vỡ òa cảm xúc khi giành chiến thắng trong Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada năm 2017 (ảnh NVCC)

Năm 2016, cô Thúy đã giành giải Nhì cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Năm 2017, cô là một trong bốn đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada. Tại diễn đàn, sau khi cùng bốn giáo viên thắng chung cuộc nhờ sáng tạo dạy học sử dụng trò chơi, cô Thúy được lãnh đạo Microsoft Canada mời tới quốc gia này dạy học. Tuy nhiên, cô đã từ chối vì "ra đi là để trở về".

Ước mơ đào tạo ra những thế hệ học sinh toàn cầu

Từ trải nghiệm khó khăn của bản thân, khi trở thành giáo viên, cô Thúy luôn cố gắng để học sinh không bị rơi vào tình cảnh tương tự. Cô khuyến khích các em nghe, nói thật nhiều. Cũng vì vậy mà thời gian đầu dạy học tại THPT Đức Hợp, cô từng bị phụ huynh phê bình vì nói tiếng Anh lắm quá khiến học sinh không hiểu.

"Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò nghĩ nhiều, muốn nhiều hơn thế. Tôi kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên và có cơ hội ra nước ngoài thì các em với điều kiện học tập tốt hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế", cô giáo Thúy kể.

Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo. Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học sinh giao tiếp với học trò, người dân các nước khác, học theo dự án.

Học sinh ở nông thôn, thiếu thốn cơ sở vật chất, tâm lý ngại học ngoại ngữ vẫn còn. Để học sinh vượt qua trở ngại này, không chỉ dạy tiếng Anh, cô giáo Thúy còn kích thích học sinh của mình đam mê công nghệ, có động lực để phát triển toàn diện. Cô chia sẻ: "Bản thân em thấy giáo viên cần tìm hiểu học sinh kỹ hơn, xem các em đang ở mức độ như thế nào để có thể điều chỉnh việc dạy của mình sao cho phù hợp. Đặc biệt là em thực sự rất yêu thích công nghệ, em sử dụng những công cụ đơn giản, dễ sử dụng đối với các em học sinh để tăng cường sự tò mò, kích thích được sự sáng tạo của các em".

cô thúy2

Cô giáo Trần Thị Thúy (áo dài hồng) trong chương trình Giao lưu Điển hình tiêu biểu năm 2019 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh... của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.

Từ kinh nghiệm hơn 10 năm dạy học của mình, cô Thúy chia sẻ: "Nếu như mình kích thích các em học sinh được nhiều hơn thì các em sẽ có động lực để các em ấy học nhiều hơn và khi các em có động lực nhiều hơn thì một ngày nào đó, sớm hay muộn thì cái nội lực ở bên trong của các em sẽ phát triển nhiều. Và giáo viên như là người khơi gợi cho các em đi bằng chính cái đôi chân của mình. Những khoảng thời gian bắt đầu chính là khoảng thời gian khó khăn với các em đó nhưng giáo viên giống như là một cái thang, là người hỗ trợ, đứng bên cạnh các em đó. Khi mà các em ý đã vững chãi rồi, chủ động được rồi cái việc các em ý tự lực để chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng môn học là một điều rất dễ".

Bằng cách tham gia cộng đồng MEC (Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft toàn cầu) cô giáo Thúy được kết nối với hàng ngàn giáo viên trên khắp thế giới. Tận dụng điều này, cô liên hệ với các giáo viên ở Nhật Bản, Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ… để sắp xếp những giờ học xuyên lục địa nhờ công cụ Skype.

Học sinh của cô được cùng chia sẻ, thảo luận với những học sinh trên khắp thế giới, từ đó, các em cũng có động lực để nâng cao trình độ tiếng Anh hơn. "Trong những giờ học này, học sinh cả hai bên cùng chuẩn bị các bài PowerPoint và công cụ miễn phí khác của Microsoft để trình bày quan điểm của mình. Học sinh của tôi từng được kết nối với lớp học ở Nhật Bản, Ai Cập…"- cô giáo Trần Thị Thúy cho biết.

Với những tâm huyết trong giảng dạy, cô giáo Trần Thị Thúy đã vinh dự lọt top 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019. Đây là giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation (một quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn) dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học, ghi nhận những nỗ lực sáng tạo, tìm tòi, nâng cao phương pháp, chất lượng giảng dạy và sức ảnh hưởng của giáo viên trong nước và thế giới.

Cô chia sẻ, những việc làm của mình chỉ là những việc nhỏ để góp phần xây dựng một thế hệ học sinh chủ động hội nhập quốc tế, trang bị kiến thức toàn diện để trở thành công dân toàn cầu. "Hy vọng câu chuyện của tôi có thể truyền cảm hứng cho mọi người học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"- Cô Trần Thị Thúy tâm sự./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ