• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơ hội để chấn hưng văn hóa

Văn hoá 28/11/2021 08:03

(Tổ Quốc) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong mỏi sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc xin lược ghi lại một số ý kiến của văn nghệ sĩ, trí thức đóng góp ý kiến cũng như kiến nghị về một số luận điểm phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, nghệ sĩ nặng nề, vẻ vang và không thể từ nan

Theo PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất, cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đây sẽ là nghị quyết cần thiết trong việc định hướng, mở đường cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới.

Về chiến lược và kế hoạch, theo Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian 2016 đến nay, đồng thời ban hành chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình mới. Cùng với đó, ông đề nghị Chính phủ sớm cho phép ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới.

"Thực tế là từ tháng 9 năm 1945 đến nay, chúng ta chưa hề có một chiến lược nào đối với sự phát triển của văn học và nghệ thuật và đây cũng là một trong những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình hình sa sút, kém phát triển, thiếu vắng những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao và của nhiều hạn chế khó khăn khác. Các chiến lược phát triển này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, tính định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức"- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phân tích.

Cơ hội để chấn hưng văn hóa - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Nam Nguyễn

Ngoài ra, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực theo hướng đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài; chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ và vai trò chủ thể, là trách nhiệm tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà.

"Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ chúng ta thật là nặng nề, rất vẻ vang và không thể từ nan, là phải cống hiến hết mình, mỗi văn nghệ sĩ góp thêm một hạt lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ – nhân văn soi đường cho quốc dân ta, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc"- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Ông cũng trân trọng hứa với Tổ quốc, với Nhân dân và Dân tộc Việt Nam: toàn thể giới văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững đất nước.

Chính sách, cơ chế phù hợp sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá

Trong khi đó, GS. TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta, sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hóa của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không phải chỉ thuần túy ở một loại hình văn hoá, nghệ thuật hay kinh tế xã hội nào khác.

"Chẳng hạn như từ sự kêu gọi của những nhà văn hoá, nhà chính trị hay văn nghệ sĩ có uy tín, được yêu chuộng trong xã hội, chúng ta thấy hàng triệu người đã tham gia vào những chiến dịch từ thiện, những hoạt động yêu nước hay đóng góp cứu trợ, giải cứu giúp đồng bào tại những hoàn cảnh nhất định... Tinh thần đó lại được khơi dậy như những năm tháng chiến tranh khi cả dân tộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" hay "tất cả vì miền Nam ruột thịt", "lá lành đùm lá rách"… như đợt chống dịch Covid-19 vừa qua"- GS. TS Lê Hồng Lý chia sẻ.

Còn với PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lại đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Phương đề nghị kiện toàn khung khổ thể chế, chính sách; hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong đó đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, hợp tác công – tư.

Ngoài ra cần phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa bởi theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, chính sự phát triển của hệ thống này đảm bảo chất lượng truyền tải, kênh tiếp cận và đánh giá nhu cầu thị trường để có những chiến lược tiếp cận hiệu quả mang lại sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa trong nước.

Và cuối cùng theo bà Nguyễn Thị Thu Phương cần đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.

"Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Và chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể nói rằng Hội nghị của chúng ta hôm nay có ý nghĩa thiết thực và thành công tốt đẹp về thực chất"- Trích bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.


Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ