(Tổ Quốc) - Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc kết thúc, nhiều nghệ sĩ và kiều bào Việt ở nước ngoài bày tỏ sự đồng tình về chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để phát triển văn hóa.
- 24.11.2021 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Phát huy sức mạnh văn hóa trong bồi đắp giá trị chân, thiện, mỹ để xây dựng con người phát triển toàn diện
- 24.11.2021 Phải có những giải pháp thật thiết thực để chấn hưng văn hoá
- 24.11.2021 Làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động đời sống xã hội
- 24.11.2021 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"
Ông Lê Khả Lục (ở Vancouver, British Columbia, Canada): Kỳ vọng một Việt Nam đẹp về văn hóa
Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc rằng, "nếu môi trường bị phá hủy chỉ mất vài chục năm để khắc phục nhưng mất văn hóa là mất nhiều thế hệ mới khắc phục được". Và để chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu bằng giáo dục, phải thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục.
Khi văn hóa được đặt ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội thì tôi tin rằng văn hóa sẽ có một diện mạo đĩnh đạc và được đầu tư xứng tầm, các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam sẽ được gìn giữ và phát huy.
Qua theo dõi các phương tiện truyền thông về Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tôi cảm nhận được sự quan tâm của mọi người. Bản thân tôi cũng là người làm nghệ thuật, từng tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa và chương trình nghệ thuật ở Việt Nam, cũng có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ người Việt.
Vì vậy, tôi kỳ vọng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba này sẽ tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt Nam về trách nhiệm chấn hưng văn hóa để văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn. Trên thế giới, các quốc gia đều chú trọng và xem văn hóa là sức mạnh mềm trong mối liên kết với các trụ cột phát triển khác.
Văn hóa Việt Nam được kết hợp giữa phần nội sinh của văn hóa - chính là những truyền thống, cội nguồn của dân tộc, là nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ của người dân - với sự tiếp biến văn hóa từ bên ngoài trong quá trình giao lưu, hội nhập. Như chúng ta thấy, mỗi vùng, miền ở đất nước ta đều có sự khác biệt về văn hóa, cả về văn hóa hữu hình lẫn văn hóa phi vật thể…
Chúng ta nên đặt ra câu hỏi: Vì sao có những người nước ngoài khi đến Việt Nam, tiếp xúc với người Việt Nam thì họ lại yêu vùng đất, yêu con người và yêu văn hóa Việt Nam như thế? Hiểu được điều này thì việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống... không phải là trách nhiệm của riêng Chính phủ, hay của riêng ngành văn hóa, mà là sự chung tay của mỗi người, bởi từng cá nhân văn hóa - từng con người văn hóa mới hình thành gia đình văn hóa và cộng đồng văn hóa.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới thì sẽ xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.
Bà Nguyễn Phước Mỹ An (ở Innsbruck, bang Tyrol, Áo): Đề cao giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam
Tôi yêu những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, yêu chiếc áo dài, yêu ẩm thực Việt, yêu những bản nhạc như "Tình ca", "Tình hoài hương" của nhạc sĩ Phạm Duy, "Dạ cổ hoài lang" của nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
Tôi cho rằng, sức mạnh dân tộc được tạo nên từ những điều giản dị. Khi những lời ca như "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi, tiếng ru muôn đời…" đã thấm vào máu thịt thì dù đi đâu, sinh sống ở quốc gia nào trên thế giới, chúng ta vẫn là người Việt Nam, vẫn thèm một bát phở đúng vị Hà Nội, một bát mì Quảng đậm đà chất Quảng Nam - Đà Nẵng, một tô bún bò đúng kiểu Huế; ngày Tết vẫn muốn được tận hưởng cảm giác đoàn viên, trở về với cội nguồn, sum vầy bên gia đình để đón giao thừa… Đó chính là văn hóa của dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy, hòa nhập chứ không hòa tan trong hành trình giao lưu và hợp tác quốc tế.
Lòng yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng cống hiến cũng chính là những nền tảng làm nên sức mạnh dân tộc.
Trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh dân tộc đã được hun đúc, phát huy mạnh mẽ, hình thành nên một "dáng đứng Việt Nam". Vậy thì trong chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, hồn cốt của dân tộc, "dáng đứng Việt Nam" ấy càng phải được nâng cao hơn nữa.
Tôi rất vui mừng khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đề cao giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và chú trọng xây dựng con người văn hóa; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng và bồi đắp những giá trị chân - thiện - mỹ.
Ca sĩ Vũ Bảo, Quán quân Ngôi sao Tiếng hát truyền hình 2006: Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa
Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và soi đường cho quốc dân đi; văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Vậy thì việc đầu tư xứng tầm cho văn hóa là yêu cầu cấp thiết.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã đề cập 11 nhiệm vụ của ngành văn hóa, trong đó có việc nâng cao hiệu quả của hoạt động văn hóa và phát triển nguồn nhân lực ở lĩnh vực văn hóa…
Là nghệ sĩ, tôi rất quan tâm đến chủ trương của ngành văn hóa trong việc đầu tư và phát triển văn hóa. Tất nhiên, văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Ở đây, tôi chỉ đề cập ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Thiết nghĩ, có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó cần đầu tư cho con người.
Đội ngũ cán bộ làm văn hóa phải am hiểu văn hóa. Người nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng phải chỉn chu về cả trang phục lẫn lời nói. Các nhà đài không nên sản xuất những chương trình chỉ đơn thuần chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, thu hút rating và tranh thị phần quảng cáo, mà bỏ qua những giá trị về chân - thiện - mỹ. Cần quan tâm đến đời sống của các nghệ sĩ địa phương khi họ không có nhiều điều kiện trở thành "sao" và cũng không có nhiều đất diễn như ở Hà Nội và TPHCM, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh. Cần quan tâm đầu tư đào tạo đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng những cơ chế đặc thù…
Các tỉnh, thành cũng nên quan tâm đến các đoàn nghệ thuật của địa phương mình; làm sao khơi dậy khả năng sáng tạo và cống hiến của nghệ sĩ để tạo ra những chương trình nghệ thuật chất lượng, đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu về cả nghe lẫn nhìn, chứ không chỉ đơn thuần làm ra các chương trình mang đi dự các kỳ liên hoan/hội diễn…
Một điều quan trọng nữa là những người làm quản lý văn hóa, các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn chiến lược, phải xem văn hóa là một cấu trúc sâu rộng, bền chặt của xã hội, bởi phát triển văn hóa chính là phát triển nền tảng tinh thần của xã hội.