• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Có nên để Chủ tịch phường chỉ đạo Trưởng Công an phường?"

Thời sự 20/11/2020 20:13

(Tổ Quốc) - Chiều nay (20/11), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Thường trực Thành ủy thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

"Có nên để Chủ tịch phường chỉ đạo Trưởng Công an phường?" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thức hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội do Bộ Nội vụ xây dựng gồm 6 chương, 33 điều. Trong đó quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội; quy định về tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch phường…

Trình bày dự thảo Nghị định tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay còn một số ý kiến khác nhau về các vấn đề đưa ra trong dự thảo như: “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu của UBND phường không? Có nên giao công việc thuộc nhiệm vụ của UBND phường cho cộng đồng dân cư, tổ dân phố thực hiện? Biên chế công chức làm việc ở phường nên giao 15 hay 16 người?”.

Chủ tịch phường có nên chỉ đạo Trưởng công an phường?

Cho rằng vấn đề an ninh quốc phòng là cực kỳ quan trọng đối với địa bàn Thủ đô, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Cơ cấu các đồng chí công an vào phường là hợp lý để đảm bảo an ninh. Cơ cấu như vậy là để có chức danh nhằm đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng chỉ đạo toàn diện nhưng phải có công cụ thực hiện”.

"Có nên để Chủ tịch phường chỉ đạo Trưởng Công an phường?" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày dự thảo Nghị định.

Bà Đặng Thị Lại - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Điện Biên cho rằng, dự thảo đưa ra phương án chưa phù hợp khi xây dựng cơ chế phối hợp giữa Công an phường và UBND quận.

“UBND phường chỉ đạo Công an phường thì mới phù hợp. Có vấn đề gì ở phường lại báo cáo lên quận, rồi sau đó mới chỉ đạo xuống phường thì rất bất cập, như vậy sẽ làm chậm trễ xử lý vấn đề “nóng” xảy ra trên địa bàn” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Điện Biên nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận về vấn đề “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu của UBND phường không?”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật như Luật CAND, Luật CBCCVC.

Nói về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, vấn đề “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường không” thì đã được bàn thảo trong quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, và đã được quyết nghị rõ trong Nghị quyết 97/2019/QH14. Theo đó, Trưởng Công an phường không thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường mà là thuộc UBND quận.

Không nên tính bình quân biên chế của một phường

Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ quan điểm, không nên tính bình quân số biên chế của một phường mà nên giao HĐDN quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đó. Hà Nội hiện có 2.625 biên chế cấp phường, tuy nhiên, nhiều nơi cán bộ phường quá tải như ở quận Đống Đa, quận Cầu Giấy…    

"Có nên để Chủ tịch phường chỉ đạo Trưởng Công an phường?" - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Công Thành - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, biên chế của UBND phường hiện nay có 12 chức danh, 15 công chức.

“Tuy nhiên, nhu cầu đòi hỏi của nhân dân về giao dịch một cửa rất nhiều. Trong khi đó, cán bộ tư pháp chỉ có một nên rất bất cập. Chính vì vậy, ông đề nghị nên quy định biên chế công chức phường là 16” - ông Thành nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Thành cũng cho rằng, không nên chuyển giao công việc, nhiệm vụ của UBND phường về tổ dân phố, công đồng dân cư. Bởi, cán bộ tổ dân phố thường cao tuổi, trong khi đó Hà Nội nhiều nơi có nhà cao tầng, đi lại rất khó.  

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian từ nay đến lúc thời điểm ban hành Nghị định không còn nhiều, chính vì vậy, các cơ quan thuộc thành phố cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ban soạn thảo để sớm “chốt” các vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận. 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ