(Tổ Quốc)-Theo phân tích của TS Lê Trường Tùng thì cần xem xét lại tính chất của kỳ thi THPT quốc gia. Trong khi đó, mới đây, theo trả lời của đại diện Bộ GDĐT thì cho hay, vẫn sẽ tổ chức thi THPT nhưng các kỳ thi sẽ có điều chỉnh cụ thể hết sức, giảm thiểu các sai phạm có thể xảy ra.
- 17.07.2018 Kết quả thi bất thường tại Hà Giang: Cựu Cục trưởng Cục CNTT nói về lỗ hổng của thi trắc nghiệm
- 23.07.2018 Sai phạm Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GDĐT cân nhắc lắp camera an ninh
- 23.07.2018 Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La nằm trong số 5 cán bộ liên quan sai phạm điểm thi THPT
- 23.07.2018 Clip: Tổ công tác Bộ GDĐT báo cáo sai phạm điểm thi THPT ở Sơn La
- 23.07.2018 Những “lỗ hổng” trong phần mềm chấm thi THPT mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng
- 23.07.2018 Gian lận điểm thi THPT tại Hà Giang: Bắt tạm giam thêm 01 đối tượng
- 23.07.2018 Trường ĐHSP Nghệ thuật trung ương công bố điểm chuẩn 2018 cao nhất là 32 điểm
- 23.07.2018 Chuyện gì đang xảy ra trong ngành giáo dục, thưa Bộ trưởng?
- 23.07.2018 Kết quả chấm thẩm định tại Hòa Bình: không thay đổi điểm so với ban đầu
Đại học sẽ thay đổi theo hướng đầu vào chỉ là tương đối
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho hay, dù ngành giáo dục không xảy ra các sự việc như gần đây thì cũng đã đến lúc phải xem lại tính chất của cuộc thi. Và công sức mình bỏ ra để tổ chức thi, bảo mật… có đạt được mục tiêu chúng ta mong muốn hay không.
TS Lê Trường Tùng phân tích, để tốt nghiệp THPT, ngoài điểm của kỳ thi THPT quốc gia còn cộng thêm 50% điểm học bạ. Như vậy, tốt nghiệp hay không phụ thuộc nhiều vào học bạ và năm nay với tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước là 97%.
“Tôi cho rằng mục tiêu để xét tốt nghiệp đóng vai trò quá nhỏ trong kỳ thi, trong khi chúng ta phải bỏ ra quá nhiều công sức chỉ để loại một số rất nhỏ thí sinh bị điểm liệt” - TS Lê Trường Tùng cho hay.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT |
Về mục tiêu xét ĐH của kỳ thi THPT quốc gia, hiện đa phần các trường đang sử dụng kết quả này để xét tuyển. Một số trường khác tổ chức thi riêng. Nhiều trường tiến hành song song, cả xét học bạ và điểm thi của bộ.
TS Tùng cho rằng: “việc các trường dựa vào kết quả kỳ thi để xét tuyển là có nhưng không dựa hoàn toàn, trường nào cũng có cách khác để bổ sung nguồn tuyển”.
Ông Tùng cũng nói thêm, theo lộ trình tự chủ ĐH, các trường phải ý thức được việc tự chủ tuyển sinh, không thể trông vào mỗi kỳ thi.
Với phân tích như trên, TS Tùng nhận định, đã đến lúc Bộ GDĐT phải có tổng kết kỳ thi 2 trong 1 và khi nhìn lại thấy có quá nhiều vấn đề phức tạp thì ông tin Bộ GDĐT có thể sẽ có thay đổi nhất định.
Về đề xuất cho kỳ thi này, TS Lê Trường Tùng cho hay, các trường ĐH hoàn toàn có thể xoay sở được và giờ đây không còn giống như 10 năm trước đây là trường nào tổ chức thi trường đó sẽ khiến thí sinh vất vả.
Mặt khác, “ĐH rồi sẽ phải thay đổi theo hướng đầu vào chỉ là tương đối, quá trình đào tạo mới là quan trọng nhất, tức đầu ra ĐH mới là yếu tố sống còn. Tôi lấy ví dụ năm nay, Bộ GDĐT mạnh dạn bỏ điểm sàn ĐH, chỉ còn nắm quyền định điểm sàn ngành sư phạm, theo tôi đó cũng là bước đổi mới đáng kể”- ông Tùng nhận định.
Tuy nhiên, mới đây, trả lời báo chí tại Sơn La, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT Mai Văn Trinh cho hay, “chúng ta không nói là xem xét lại, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tiếp tục hoàn thiện sau những sai phạm đã xảy ra và chúng ta đã xử lý”.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, kể cả các kỳ thi khác phải được hoàn thiện hơn, chuẩn hơn. Đồng thời trên cơ sở xử lý những sai phạm, những kỳ thi tới đây sẽ có điều chỉnh cụ thể hết sức, giảm thiểu các sai phạm có thể xảy ra.
Không để chấm thi ở địa phương
Quan điểm của TS Tùng cho rằng, về lâu dài thì phải tách kỳ thi “2 trong 1”.
“Tuy nhiên, trước mắt nếu vẫn phải duy trì, nhất là vẫn thi trắc nghiệm thì không nên để chấm thi ở địa phương vì họ có áp lực để làm cao điểm thi. Nếu chấm tập trung toàn bộ thì phức tạp, vì thế có thể chấm theo cụm”- TS Tùng cho hay.
Tức là sau khi thi xong, chuyển bài thi về cụm, tách bài thi ra khỏi địa phương rồi Bộ GDĐT mới công bố đáp án, sẽ tránh hoàn toàn việc can thiệp như ở Hà Giang, Sơn La.
Sau đó, các trường ĐH tổ chức chấm, có thể chia thành 3 cụm để chấm ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Bộ GDĐT quản lý trực tiếp việc chấm thi.
Quan điểm của TS Lê Trường Tùng cũng giống như với TS Quách Tuấn Ngọc- nguyên Cục trưởng Cục CNTT của Bộ GDÐT.
Theo ông, từ năm 2014, Bộ GDĐT bắt đầu tổ chức kỳ thi 2 trong 1, một việc tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường ĐH. Nhưng nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện.
“Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm”- TS Ngọc nêu quan điểm.
Do vậy, theo ông Quách Tuấn Ngọc, là tổ chức chấm theo cụm do trường Đại học chủ trì. Sau khi thi xong sẽ niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm.
Việc này thực hiện theo quy trình: “sau khi thi xong, rọc phách nếu có thì càng tốt, quét ảnh xong thì truyền file về Bộ GDĐT ngay lập tức và nếu Bộ cũng chấm độc lập trên file ảnh này (Đĩa CD1) thì quá tốt. Những trường hợp lỗi khi kiểm dò sẽ xử lý sau”- TS Ngọc gợi ý./.
Thái Linh