(Tổ Quốc) - Trong ngày 8/2, các đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã có mặt ở những lễ hội “nóng” như Phết Hiền Quan (Phú Thọ) và Đông Cuông (Yên Bái).
- 03.02.2017 Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền
- 05.02.2017 Từ “tranh cướp lộc” nghĩ về ứng xử “văn hóa tâm linh”
- 03.02.2017 Hà Nội ra văn bản tăng cường công tác quản lý lễ hội sau vụ cướp lộc chùa Hương
- 04.02.2017 Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dự lễ hội Khai bút đầu xuân Đinh Dậu
- 06.02.2017 Treo cổ trâu không phải là hình ảnh của lễ hội năm nay
- 06.02.2017 Phục dựng nhiều lễ hội, tạo không gian biểu diễn Cồng chiêng
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Cục đã phân công các cán bộ giám sát tại các lễ hội.
Tại lễ hội Phết Hiền Quan, phần lễ vẫn được các bậc cao niên trong làng tổ chức linh thiêng và trang trọng. Hàng nghìn người dân tập trung quanh đền thờ để tham gia những nghi lễ tưởng nhớ vị nữ tướng tài ba Thiều Hoa.
Phần hội với nghi thức cướp phết, theo ghi nhận của Cục Văn hóa cơ sở tại lễ hội Phết Hiền Quan, việc tranh cướp phản cảm đã được hạn chế.
Nghi lễ rước kiệu trong Hội Phết Hiền Quan ngày 8/2/2017 (ảnh Báo Phú Thọ) |
Năm nay, hội cướp Phết diễn ra trong hai ngày 8-9/2 (tức 12- 13 tháng Giêng). Thực hiện quy chế mới, năm nay ban tổ chức lễ hội huy động lực lượng trong các khu dân cư của xã Hiền Quan tham gia đánh Phết là 100 người, chia thành 2 đội giáp thượng và giáp hạ, mỗi đội 50 người. Các thanh niên đánh Phết được thắt đai xanh và đỏ để phân biệt giữa hai đội. Bãi đánh Phết được ban tổ chức lễ hội cắm cây nêu và dải băng giới hạn. Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự lễ hội đã xây dựng kế hoạch bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự, phân luồng giao thông; trông giữ phương tiện của nhân dân du khách. Đặc biệt trong thời gian kéo quân và đánh Phết, lực lượng an ninh sẽ xử lý nghiêm tại chỗ các trường hợp quá khích trong quá trình tranh Phết.
Quy định mới này nhằm hạn chế tối đa khả năng xảy ra bạo lực, hỗn loạn trong quá trình cướp Phết.
Có dư luận cho rằng, việc tranh cướp không được thực hiện như xưa khiến người dân không vui, không hào hứng cổ vũ như các lễ hội trước.
Trâu trắng được chuẩn bị cho lễ hiến tế chiều 8/2/2017 (ảnh Vũ Tuân) |
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, việc cướp Phết, ngoài ý nghĩa tâm linh, ai cướp được, sờ được vào Phết là may mắn thì cũng nên hiểu theo ý nghĩa là môn thể thao lành mạnh, tạo không khí vui tươi đầu xuân cho nhân dân. Cục VHCS cũng tính đến việc xin ý kiến các nhà khoa học, nhân dân về việc có quy định, có “luật” cho việc cướp Phết chứ không chỉ là mạnh ai nấy cướp như trước đây.
Đối với lễ hội Đền Đông Cuông, theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái, năm nay Ban tổ chức lễ hội không thực hiện treo trâu lên cây như mọi năm. Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2017 được tổ chức với quy mô cấp huyện, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần Lễ được tổ chức tại Đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống với các nghi thức đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương.
Khu vực mổ trâu được quây kín đêm 8 rạng ngày 9/2 (ảnh vov.vn) |
Phần lễ với việc mổ trâu để tế lễ vẫn tiến hành vào lúc 0 giờ ngày Mão đầu tiên trong năm nhưng được diễn ra trong khu vực quây kín bạt, lực lượng an ninh bảo vệ kỹ từ vòng ngoài, du khách và người dân địa phương không được chứng kiến. Sau đó, các thủ tục hành lễ được tiến hành như thường lệ.
Phần hội đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật và trình diễn trang phục các dân tộc huyện Văn Yên; hội thi thể thao với các môn: bóng chuyền nam, đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền...
Trước dư luận cho rằng, việc áp đặt không treo cổ trâu là không hiểu ý nghĩa tâm linh của dân tộc Tày vùng Yên Bái và không nên áp đặt mệnh lệnh hành chính trong quản lý lễ hội. Bà Thủy cho rằng, việc điều chỉnh các nghi thức thực hiện lễ hội là cần thiết trong xã hội hiện đại để phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung. Cục Văn hóa cơ sở khuyến cáo nghi thức treo cổ trâu nên thực hiện trong không gian kín, ít người chứng kiến như với lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh./.