(Tổ Quốc) -Những ngày đầu năm mới, đi lễ cầu tài lộc là một nét đẹp văn hóa với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến. Tuy nhiên, những hình ảnh chen lấn xô đẩy… của người đi lễ đã khiến không ít người thiếu thiện cảm.
- 03.02.2017 Lễ hội Cổ Loa- niềm tự hào của người về lịch sử chống ngoại xâm
- 02.02.2017 Hàng nghìn người cướp lộc hoa tre hội Gióng
- 03.02.2017 Đề nghị báo chí giám sát việc dùng xe công đi lễ hội
- 03.02.2017 Hà Nội ra văn bản tăng cường công tác quản lý lễ hội sau vụ cướp lộc chùa Hương
- 04.02.2017 Sẽ tiếp tục điều chỉnh các lễ hội chưa phù hợp
- 03.02.2017 Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL chấn chỉnh, xử lý sai phạm, phản cảm tại lễ hội
Theo tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam “cướp lộc” là một tục lệ có từ lâu đời. Ông Phan Đăng Long, nguyên phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội từng chia sẻ với báo chí về tục lệ cướp lộc tại hội Gióng là do quan niệm từ xưa nếu ai “cướp” được sẽ may mắn, và “cướp” ở đây là cướp có văn hóa giống như tục cướp vợ của người dân tộc thiểu số chứ không phải hiểu theo nghĩa cướp giật… nói cách khác, đó là những thực hành văn hóa mang tính ước lệ.
Không chỉ ở các lễ hội việc cướp lộc mới diễn ra mà lễ cúng cô hồn vào rằm tháng bảy việc “cướp lộc”, “nhặt lộc” cũng diễn ra với quan niệm từ lâu đời ai càng có nhiều lộc sẽ càng may mắn.
Cướp lộc hoa tre tại hội Gióng. Nguồn: vietnamnet.vn |
Cùng với đó, quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần” không chỉ nói đến sự linh thiêng, giá trị của “lộc” sau khi được làm lễ thánh, thần… Và nhiều người tin rằng khi được “thụ lộc” thì điều may mắn, tốt đẹp sẽ bất ngờ đến với bản thân, những mong muốn sẽ thành hiện thực mà người thường, mắt thường không thể nhìn thấy.
Với ý nghĩa văn hóa tâm linh tốt đẹp đó, nhiều lễ hội đã diễn ra để đáp ứng. Nhưng trên hết, đó là ước mong và hướng con người cũng như vạn vật về một cuộc sống tốt đẹp, chan hòa… Đây là khát khao chính đáng của mọi người.
Thế nhưng, ý nghĩa văn hóa tâm linh đó đã và đang bị hiểu sai. Ở ngay chốn linh thiêng cửa Phật, những hình ảnh nhốn nháo, cướp giật bạo lực, thậm chí “trầy da tróc vảy”, nguy hiểm đến tính mạng lại ngang nhiên diễn ra như nơi đầu đường xó chợ để bao biện cho việc “cướp lộc”. Người tham gia cướp lộc không ngại người đông, có lợi thế hơn bản thân, số lượng “lộc” có giới hạn, xung quanh là trẻ em, phụ nữ, người già hay tường rào ngăn cách, bên trong là chùa chiền với các vị thần thánh linh thiêng mà bản thân vừa chắp tay vái lạy cầu xin… họ bất chấp tất, bỏ qua cả những ứng xử văn hóa tối thiểu, bỏ qua cả phép lịch sự tối thiểu để giành giật cho bằng được “lộc” mà không cần biết người khác ra sao, để lại hình ảnh xấu xí nơi linh thiêng, trở thành nỗi khiếp sợ của người xung quanh.
Lộc là thứ “trời cho”, trời cho ai người đó được. Trong suy nghĩ nhiều người “lộc” là thứ có sức mạnh siêu nhiên, phi thường, tựa phép thần kỳ có thể chỉ trong nháy mắt làm thay đổi cuộc đời con người, biến một kẻ nghèo hèn, trở nên giàu sang, phú quý . Tuy nhiên “lộc” nơi của phật, cửa thánh không phải là thứ “hoán đổi” sòng phẳng kiểu ai cướp được thì ắt sẽ tự nhiên có lộc trần, “cướp” được càng nhiều thì may mắn càng lớn mà bất chấp ý thức, đạo lý sống?. Cũng với tâm lý như vậy, người ta sẵn sàng nhét tiền lẻ vào tận tay thần, phật để ngài “chứng giám lòng thành” mà “để mắt” phù hộ cho chủ nhân…
Ảnh minh họa. Nguồn: Tiến Tuấn/zing.vn |
Phải chăng, lối sống thực dụng, coi nặng vật chất đã và đang len lỏi vào ngay cả chốn tâm linh. Điều này vô hình chung biến các lễ hội cũng như việc đi lễ chỉ là nơi để “xin”, để “cướp lộc”… mà không nhìn lại lối sống của bản thân, không nhân nghĩa, kính già yêu trẻ, có trước có sau… sẽ làm mất đi ý nghĩa của văn hóa tâm linh đã được khởi phát và duy trì từ xưa đến nay.
Bản thân mỗi người nếu không nỗ lực, sống tốt… chỉ nhăm nhăm lễ hội nào, cửa thánh thần linh thiêng nào cũng có mặt để tranh giành, cướp cho bằng được “lộc”, liệu những người thế, thần, phật – đấng tối cao linh thiêng có thể nhìn thấu mọi lẽ đời, phải trái, đúng sai… có thể phù hộ?.
Người xưa đã đề cao chữ “phúc” để nói về điều may mắn lớn. Trong quan niệm “ngũ phúc lâm môn” (năm điều phúc đến nhà) bao gồm: Phúc, lộc, thọ, khang, ninh thì đôi khi người ta chỉ cần dùng một chữ phúc là đủ nghĩa các chữ còn lại. Nhưng để có được chữ phúc thì con người phải biết tích đức, phúc, thiện ngay từ trong tâm và bằng những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, chứ không thể “miệng nam mô bụng bồ dao găm”. Và nếu làm được như vậy thì ắt mọi điều tốt đẹp sẽ đến “có phúc có phần”, “có đức mặc sức mà ăn”.