• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Có tình trạng ban hành văn bản không sát, xảy ra việc lợi dụng kẽ hở để tham nhũng..."

Thời sự 29/03/2021 13:52

(Tổ Quốc) - "Có tình trạng ban hành văn bản không sát, không kín để xảy ra trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, vun vén cho bản thân, thậm chí là để đề bạt, bổ nhiệm con cháu dòng họ vào các vị trí lãnh đạo của các cơ quan nhà nước", đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói.

Chính phủ còn quá "hiền lành" 

Sáng nay (29/3), thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, nhiều đại biểu bày tỏ ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân; ấn tượng về một Chính phủ có nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng, Chính phủ nói đi đôi với làm; Chính phủ gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc phát sinh liên quan đến đời sống của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) chia sẻ, nhiệm kỳ qua, thành tựu, thành quả của Chính phủ là bao trùm nhưng cá nhân ông vẫn có một vài điều muốn gửi đến Chính phủ hiện tại và nếu được cũng muốn gửi đến Chính phủ tương lai. 

"Có tình trạng ban hành văn bản không sát, xảy ra việc lợi dụng kẽ hở để tham nhũng..." - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau)

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, mặc dù Chính phủ đã chèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba bão táp nhưng theo cảm nhận của riêng ông thì Chính phủ còn quá "hiền lành" trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. 

Hai từ "hiền lành" ông để trong ngoặc kép, đồng thời dẫn chứng: Về xây dựng và thực thi pháp luật, tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh, xin bổ sung, xin lùi dự án luật vẫn còn xảy ra. Một số dự án luật mặc dù có kế hoạch từ đầu nhưng do chưa chuẩn bị kịp nên đến cuối khóa vẫn chưa trình được Quốc hội thông qua, ví dụ như luật về Hội, Luật Đất đai…, trong khi đó lại đưa vào đề xuất trình một số dự án luật không có trong kế hoạch và chưa thật  sự chín muồi. 

Cùng với đó, tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn mặc dù so với trước có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn xảy ra, đặc biệt có trường hợp chậm trễ dẫn tới hệ lụy làm thất thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. 

"Ví dụ như chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước. Tình trạng ban hành văn bản không sát, không kín nên có trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, vun vén cho bản thân, thậm chí là đề bạt, bổ nhiệm con cháu dòng họ vào các vị trí lãnh đạo của các cơ quan nhà nước. Còn có tình trạng không rõ ràng, minh bạch trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật nên việc chạy dự án, chạy nguồn vốn vẫn còn xảy ra", đại biểu Nguyễn Quốc Hận lấy ví dụ cụ thể. 

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, đối với một vài dự án lỗ nặng cho thấy một vài bộ trưởng, trưởng ngành hay địa phương còn để xảy ra sai phạm, có dư luận không tốt trong một thời gian dài, mặc dù các hạn chế yếu kém nêu trên đã được báo chí nêu, nhân dân và cử tri bức xúc. 

"Nhưng trong suốt nhiệm kỳ chưa thấy có hình thức xử lý cụ thể nào đối với tư lệnh ngành hay địa phương mà hầu hết là rút kinh nghiệm cho qua. Việc xử lý "hiền lành" nêu trên theo tôi cũng đồng nghĩa với sự không nghiêm minh, từ đó dễ tạo ra tiền lệ không tốt, làm cho xã hội mất công bằng, thui chột sự phấn đấu và hệ lụy chính là sự trì trệ", vị đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh. 

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, khắc phục được tình trạng nêu trên và trong đó là thực hiện tốt "3 không" trong phòng chống tham nhũng là: Không thể, không dám, không cần, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nêu các giải pháp gồm: Rà soát và có kế hoạch trình các dự án luật ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó đặc biệt lưu ý các dự án luật còn nợ, các dự án luật đang có vấn đề trong thực tiễn như Luật Đất đai. Trên cơ sở đó phân công soạn thảo, chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo hướng chặt chẽ, bao quát, kín kẽ, rõ ràng và minh bạch.

Xử lý nghiêm  các trường hợp nợ, trễ trong xây dựng văn bản hướng dẫn, các trường hợp lợi dụng pháp luật để chia chác quyền lợi, lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Mạnh dạn thay đổi, xử lý trưởng ngành, địa phương không tuân thủ hoặc lợi dụng khe hở của pháp luật để trục lợi, không còn đủ uy tín để ngành, địa phương mình có nhiều sai phạm đồng thời có cơ chế đào tạo, có chính sách đãi ngộ nhân tài cho đất nước.

Thông tin đất đai minh bạch sao có Alibaba bán dự án 'ma'?

Cũng trong sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) tán thành việc báo cáo của Chính phủ đã nêu ra 3 hạn chế lớn, trong đó có hạn chế trong kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, công sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi.

Dù vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng bày tỏ băn khoăn là nêu như báo cáo "có nhẹ quá không?". Theo bà, các sai phạm trong quản lý tài nguyên, công sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ ở mức độ kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng mà có những sai phạm xảy ra nghiêm trọng, có hệ thống ở nhiều nơi. 

"Có tình trạng ban hành văn bản không sát, xảy ra việc lợi dụng kẽ hở để tham nhũng..." - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)

Nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu nguyên nhân, cơ chế dẫn đến vi phạm, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai là những quy định chưa phù hợp của Luật đất đai. Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 nhưng Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi này, đến nay hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo luật.

Việc không thực thi nghiêm túc các quy định của Luật đất đai và một số luật liên quan cũng là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của một số cán bộ, tổ chức, cá nhân.

"Theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch. Ở các quốc gia khác, bản đồ địa chính công khai từ lâu và dân cứ đến cơ quan nộp ít lệ phí là xem được nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định về công khai thông tin. Điều này dẫn đến đủ loại rủi ro, mà người thiệt hại nhất là dân", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Lấy ví dụ vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án "ma", bà Thúy chỉ ra rằng, công ty này mua đất diện tích lớn, bất chấp là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang, vẫn san ủi, vẽ ra dự án để bán cho hàng nghìn khách hàng. Theo bà, nếu hệ thống thông tin đất đai tốt thì người dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý của việc mua bán đất. 

"Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, HĐND, nhưng trách nhiệm chính là của Chính phủ, UBND các cấp. Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này", bà Nguyễn Thị Kim Thúy nêu quan điểm./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ