(Tổ Quốc) - ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.
Sáng 29/3, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
Chính phủ đã "bắt rất đúng bệnh"
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng, Chính phủ công chính thì không có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay lợi ích cục bộ, ở đó chỉ có lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đưa ra minh chứng cho quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền khẳng định, khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều biến động lớn trên thế giới, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã cho nhân dân cả nước nhận diện rõ nét hơn về một bộ máy điều hành đầy bản lĩnh, bình tĩnh đối mặt, một đội ngũ các nhà quản lý, chuyên gia ngày đêm tập trung cao độ để ứng phó với những tác hại vô cùng lớn, vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển KT-XH với tầm nhìn dài hạn, bền vững.
"Ngoài sự quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm, Chính phủ đã phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ sáng tạo tập thể, từ những chuyên gia thông thái đến những quyết sách thông thái" - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nêu quan điểm.
Cũng theo vị đại biểu đoàn Phú Yên, để xây dựng một Chính phủ có chức năng kiến tạo - phát triển không thể chỉ gói gọn trong nhiệm kỳ 5 năm mà cần nhiều thời gian hơn, bởi bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì còn tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người.
"Chính phủ đã "bắt rất đúng bệnh", việc tiếp theo là "điều trị bệnh" chứ không chỉ dừng lại ở thăm khám, kê đơn, chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân" - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.
Từ đó, nữ đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ ngành cần dành nhiều thời gian để rà soát, đánh giá thực trạng chính sách thu hút, sử dụng nhân tài, đội ngũ chuyên gia trong bộ máy của mình có thực chất, hiệu quả hay không.
Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, xã hội hiện không chỉ có một mà có rất nhiều kiểu chuyên gia khác nhau. Trong hệ thống bộ máy của chúng ta cũng vậy, có 2 kiểu: chuyên gia thông thái và chuyên gia thông minh.
Chuyên gia thông thái luôn có cái nhìn tổng thể, khách quan, liên tục học hỏi, dám nhận sai, chỉ ra cái sai, đối mặt với cái dở của ngành mình, địa phương mình, từ đó họ có khả năng ra quyết định dựa trên những thông tin họ thu thập, quan sát được. Chuyên gia thông minh dù có khả năng thu thập thông tin nhưng phần lớn thường mắc lỗi tư duy theo lối mòn chuyên ngành, chỉ phân tích chuyên môn mang tính an toàn trong lĩnh vực họ nghiên cứu, dù họ có thừa những chứng chỉ, học hàm, học vị.
Khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn, "cái tôi" sẽ phình ra và đó cũng là một trong những nguyên nhân của không ít nhóm chính sách khi ban hành lại thiếu sự liên kết, tích hợp, thiếu tính thực tiễn, thậm chí là ngắn hạn và đối phó. Những cách làm chính sách như thế hiện nay đang tồn tại rất nhiều trong bộ máy của chúng ta, đó là một sự thật.
"Tôi rất mong, Chính phủ cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những "vết xe đổ" trong điều hành quản lý, muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp" - ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nêu quan điểm.
Tránh "tư duy nhiệm kỳ" trong việc phân bổ ngân sách
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) bày tỏ tự hào khi nhiệm kỳ Chính phủ có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bất kỳ thời khắc nào, Chính phủ với sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng và tinh thần quyết tâm của từng thành viên, đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định uy tín của mình. Thành quả, cố gắng của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua rất đáng trân trọng.
Nêu một số vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm thêm trong nhiệm kỳ tới, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã có Nghị quyết 26 về kế hoạch trung hạn, đã đề ra nhiệm vụ đó là phát huy tối đa tiềm lực của mọi thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư cho những lĩnh vực, dự án mà các thành phần khác không thể đầu tư. Chúng ta cũng có Luật về đối tác công tư, trong đó nhấn mạnh tập trung huy động tối đa nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, Chính phủ đã hoàn toàn đúng đắn khi đề ra chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, nhìn lại nhiệm kỳ qua thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Có nhiều dự án phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang hình thức 100% vốn ngân sách.
Hiện nay, tỉ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
"Vẫn biết đây là một vấn đề rất khó khăn, nhưng một Chính phủ kiến tạo thì phải biết phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân" - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ băn khoăn, đồng thời tin tưởng rằng Chính phủ phải làm được điều này thì mới đủ sức đi đường dài, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới.
Một vấn đề nữa mà nữ đại biểu này đề cập đến là phân cấp trong đầu tư công. Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật nhằm phát huy tính chủ động của địa phương. Tuy nhiên, có nhiều quy định khi mới đi vào thực tiễn đã nảy sinh bất cập.
Đại biểu nêu dẫn chứng như Luật đầu tư công vừa sửa đổi năm 2019 đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong quyết định dự án chi tiết để đưa vào danh mục, nhưng ngay khi áp dụng nhiều địa phương đưa vào các dự án không đủ tiêu chí, hàng loạt dự án mới bổ sung trong khi đó nguồn lực ngân sách có hạn lại phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh.
Hiện nay số vốn đề xuất là 3,8 triệu tỷ đồng, trong khi đó nguồn lực dự kiến đầu tư từ phía Nhà nước chỉ có 2,7 triệu tỷ, vượt lên hơn 1 triệu tỷ. Điều này tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị khác.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị, Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần Luật Đầu tư công; tránh vi phạm điều cấm, đó là vượt quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong việc phân bổ ngân sách.