(Tổ Quốc) - Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn 2 lần mỗi nhiệm kỳ và chỉ để hai mức "tín nhiệm", "bất tín nhiệm".
Nên để hai mức "tín nhiệm" và "bất tín nhiệm"
Sáng nay (26/3), thảo luận tại hội trường về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã làm tròn bổn phận trước nhân dân. Tuy nhiên, ở thời điểm cuối cùng của nhiệm kỳ, có lẽ mỗi đại biểu vẫn còn những băn khoăn, trăn trở muốn được chia sẻ.
Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, đây là hoạt động được người dân kỳ vọng, cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ và là nơi đòi hỏi các vị đại biểu thể hiện tinh thần thẳng thắn dám đấu tranh khách quan, công bằng. Hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.
Theo nữ đại biểu này, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khóa XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực và đóng góp của những người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng. Dù vậy, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu nhận được câu hỏi của người dân rằng “ông/bà thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không?.
"Tôi hiểu và cảm nhận được rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn lo lắng của người dân và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì nhiều hơn thế”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ.
Đại biểu đoàn Hà Nội đồng thời đề xuất, thời gian tới, Quốc hội cần đánh giá việc tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và quan tâm hai vấn đề, đó là, hiện nay đang để 3 mức khi lấy phiếu tín nhiệm (Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tin nhiệm thấp). Việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá, sẽ khó so sánh trong đánh giá kết quả của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng chỉ nên để hai mức "tín nhiệm" và "bất tín nhiệm".
Tiếp theo là liên quan đến số lần lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đang được thực hiện 1 lần trong nhiệm kỳ 5 năm. Một số ý kiến đề xuất việc này nên được thực hiện 2 lần trong 1 nhiệm kỳ.
“Hoạt động của Quốc hội như đi trên một con đường không bao giờ có điểm kết thúc vì cuộc sống luôn là sự tiếp nối. Thế hệ đại biểu sau sẽ tiếp nối đại biểu trước và yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội để đáp ứng sự mong mỏi của người dân là yêu cầu bắt buộc”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Cử tri mong muốn "không để xảy ra tình trạng đặt ra rồi để đấy"
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) bày tỏ thống nhất với dự thảo báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và góp ý thêm vào nội dung giám sát. Đây là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội.
Theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh, hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri vui mừng khi hoạt động giám sát được tăng cường, không ngừng được cải tiến, tập trung vào các vần đề bức xúc. Cử tri bày tỏ ấn tượng đối với hoạt động chất vấn với cách thức hỏi nhanh, đáp gọn, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi đến cùng vấn đề được chất vấn. Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh, cử tri vẫn còn băn khoăn về công tác giám sát chuyên đề khi đặt câu hỏi: "Công tác giám sát chuyên đề liệu đã đi đến cùng vấn đề được giám sát hay chưa? Các Nghị quyết đã được thực hiện như thế nào trong thực tiễn và việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp có đúng như yêu cầu và mong đợi của cử tri và ĐBQH không?"
Nhất trí với nhận định trong báo cáo là công tác giám sát chuyên đề đã có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả tốt hơn nhưng để phát huy kết quả giám sát trong thực tiễn, để cử tri tin tưởng hơn, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng cần tăng cường hiệu quả của công tác hậu giám sát, bởi hậu giám sát đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả... Vì vậy, cử tri mong muốn xử lý triệt để, không để xảy ra tình trạng đặt ra rồi để đấy.
Lấy ví dụ về việc thực hiện thu phí không dừng, đại biểu cho biết, năm 2017, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 437. Theo Nghị quyết, đến hết năm 2019 phải triển khai đồng bộ việc thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ đầu tư theo hình thức BOT.
"Tại hội trường này, vào tháng 6/2018, nhiều ĐBQH đã có ý kiến về việc triển khai chậm, tuy nhiên đến nay việc triển khai vẫn xong, chưa hoàn thành, chưa đồng bộ theo Nghị quyết của UBTVQH…
Ví dụ trên cho thấy những quyết sách đúng và trúng được cử tri hoan nghênh nhưng việc giám sát tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa được hiệu quả thì cử tri nêu ra", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trước những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu 3 kiến nghị, đó là cần làm rõ trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ về một số điểm còn hạn chế trong công tác giám sát và phải đưa nội dung này vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đổi mới cơ chế để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tăng cường vai trò của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội đối với hậu giám sát. Việc này cần làm thường xuyên, tránh tình trạng bệnh tình tái phát khi giám sát lại thì tình hình trầm trọng hơn.
Cuối cùng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, từ đó có cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết giám sát chuyên đề.
"Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành trong triển khai Nghị quyết giám sát. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá tín nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ ở mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.