(Tổ Quốc) -Sáng 12/1/2018, ngày thứ 5 của phiên tòa, các luật sư của Trịnh Xuân Thanh đã đưa ra những lý lẽ nhằm bảo vệ thân chủ của mình trước đề nghị mức án tù chung thân của Viện Kiểm sát đưa ra ngày 11/1.
Sáng ngày 12/1, các luật sư lên tiếng biện hộ cho Trịnh Xuân Thanh- nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC. Bị cáo này bị đề nghị 13-14 năm tù tội Cố ý làm trái và tù chung thân tội Tham ô tài sản.
Luật sư: Ông Trịnh Xuân Giới từng tặng 6 sổ tiết kiệm cho cháu nội
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh vào sáng 12/1 đã đưa ra một tình tiết đề nghị cơ quan tố tụng xem xét.
Đó là tòa án đã kê biên tài sản của Trịnh Hùng Cường – con trai Trịnh Xuân Thanh.
Vị luật sư này cho hay, tiền để mua các căn nhà, khi làm việc với cơ quan điều tra trước đây, Cường khai đó là tiền ông bà nội (ông Trịnh Xuân Giới) cho chứ không phải là tiền của cha ruột mình – Trịnh Xuân Thanh cho.
Luật sư dẫn chứng: “Việc này được thể hiện trong hợp đồng ông Trịnh Xuân Giới tặng ông Cường 6 sổ tiết kiệm. Cường cũng khai mua nhà từ 6 sổ tiết kiệm mà ông bà nội cho”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong ngày thứ 5 xét xử. Ảnh: TTXVN |
Hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm lập vào năm 2011 khi chưa xảy ra vụ tham ô của PVC – 2012. Việc cho tặng xảy ra từ trước, do vậy các tài sản hình thành của Cường không phải là từ khoản tiền tham ô của bố mình. Do vậy, luật sư đề nghị các cơ quan tố tụng xác minh lại vụ việc này và đề nghị dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản.
Trước đó, cáo trạng cho hay, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản của Trịnh Xuân Thanh: trong đó có một biệt thự ở Long Biên, Hà Nội; một căn hộ tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, xe ô tô Mazda CX5 và giao cho Trịnh Hùng Cường- con trai Trịnh Xuân Thanh bảo quản.
Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký văn bản số 691 ngày 9/9/2016 đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của bị can Trịnh Xuân Thanh, Trần Dương Nga, Trịnh Hùng Cường (vợ, con bị can Thanh), không chuyển nhượng khi chưa có yêu cầu của cơ quan điều tra.
Viện Kiểm sát: Giữ nguyên quan điểm luận tội với số tiền thiệt hại 119 tỷ
Các luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh sáng 12/1 đã đưa ra các lập luận để bảo vệ cho thân chủ.
Với tội tham ô tài sản, luật sư Ngô Thị Thu Hằng cho rằng, cáo trạng và quan điểm luận tội chưa đủ căn cứ và không phù hợp tài liệu, chứng cứ và diễn biến phiên toà.
Hồ sơ phản ánh PVC không có chủ trương yêu cầu đơn vị thành viên chuyển tiền về, nếu có thì của người khác không liên quan Trịnh Xuân Thanh vì không có chứng cứ tài liệu văn bản nào cho thấy Thanh thống nhất với Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC).
Luật sư Hằng cho hay, lời khai của Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC) thể hiện việc chỉ đạo rút tiền là của Vũ Đức Thuận. Thuận cũng khai có yêu cầu Hiển lo tiền đối ngoại còn Hiển lo thế nào thì Thuận không chỉ đạo.
Luật sư của Trịnh Xuân Thanh khẳng định, Thanh không biết và không chỉ đạo lập quỹ đối nội, đối ngoại của PVC; cũng không biết, không chỉ đạo rút tiền với Ban điều hành dự án Vũng Áng- Quảng Trạch…
Bị cáo Thanh bị cáo buộc trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo ký Hợp đồng EPC số 33 để công ty này được nhận tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Hơn 1.000 tỷ đồng sau đó bị PVC sử dụng không đúng mục đích, ngoài số đã thu hồi, cơ quan điều tra cáo buộc mức thiệt hại là hơn 119 tỷ đồng.
Bị cáo Thanh cũng bị cáo buộc là đề ra chủ trương lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án nhiệt điện Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Trong đó, Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng một số bị cáo Thuận, Minh, Hiển trong việc sử dụng chung 1,5 tỷ.
Trong buổi sáng 12/1, đại diện Viện Kiểm sát đã giữ nguyên quan điểm về phần luận tội với mức thiệt hại bị cáo gây ra là 119 tỷ đồng./.
Thái Tùng