Phiên toàn thể phản ánh những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Đó là báo cáo của giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệp về việc xác lập cơ sở lý thuyết cho việc biên soạn một cuốn “Cú pháp tiếng Việt” mới, hướng đến biên soạn một cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt” có tầm tham chiếu quốc gia; báo cáo của giáo sư Mark Alves đến từ Đại học Montgomery (Mỹ), về từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong tiếng Việt, như là chứng cứ quan trọng để khảo sát lịch sử tiếng Việt và báo cáo của tiến sỹ Phạm Hiển ở giao diện ngôn ngữ học và khoa học máy tính của thời đại công nghệ 4.0, về việc xây dựng từ vựng tiếng Việt cốt lõi cho học viên nước ngoài.

Các báo cáo còn lại với nội dung phong phú được chia thành 5 tiểu ban, thảo luận về các vấn đề như: Ngôn ngữ học lí thuyết; Ngôn ngữ-Văn hoá; Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt và Ngôn ngữ học ứng dụng.

Hội thảo tập trung thảo luận nhiều vấn đề như vận dụng các lí thuyết mới của ngôn ngữ học hiện đại để tiếp tục phát hiện những đặc điểm của tiếng Việt, của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, qua đó góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của ngôn ngữ học thế giới. Một số ý kiến đề nghị xem xét lại một số vấn đề về ngữ pháp, cần thiết thì thay đổi tên gọi. Về nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, cần làm rõ hơn các vấn đề về cội nguồn, cơ tầng và sự tiếp xúc ngôn ngữ của tiếng Việt.


Công bố hơn 140 nghiên cứu trong nước và quốc tế về ngôn ngữ Việt - Ảnh 2.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, phát biểu tại hội thảo