(Tổ Quốc) - Chiều 13/1, tại TP Bắc Giang, Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ công bố, lựa chọn Đề cương, bản thảo các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian.
- 31.10.2023 "Ươm mầm" những tác phẩm sống mãi với thời gian
- 16.10.2023 Tổ chức trại sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" năm 2023
- 25.05.2023 Tổ chức Trại sáng tác dành cho các tác giả có đề cương, bản thảo tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” năm 2023
- 10.03.2023 Triển khai kế hoạch sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian"
- 20.12.2022 Phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" trên toàn quốc
Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương và đông đảo các nghệ sĩ, tác giả.
Sau lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" diễn ra tháng 12/2022 tại TP Hải Phòng, Ban tổ chức nhận được hơn 200 đề cương, bản thảo các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, múa hưởng ứng. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn được 48 tác giả có bản thảo, đề cương tốt để tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam nhằm hỗ trợ các tác giả hoàn thiện, nâng cao chất lượng tác phẩm. Trại sáng tác khu vực phía Bắc diễn ra từ ngày 19 - 25/10/2023 tại Nhà sáng tác Tam Đảo, Vĩnh Phúc với sự tham gia của 23 văn nghệ sĩ. Trại sáng tác khu vực phía Nam diễn ra từ ngày 28/10 - 03/11/2023 tại Nhà sáng tác Vũng Tàu, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 26 văn nghệ sĩ tham gia.
Lễ công bố, lựa chọn đề cương, bản thảo văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" lựa chọn các đề cương, bản thảo của các tác giả tại hai trại sáng tác vừa qua.
Từ 48 tác giả có bản thảo, đề cương tốt tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn 40 bản thảo, đề cương gồm: về văn học có 12 bản thảo, đề cương; lĩnh vực sân khấu có 12 đề cương, bản thảo; lĩnh vực âm nhạc có 12 đề cương, bản thảo và lĩnh vực múa có 4 đề cương.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương, thành viên Hội đồng nghệ thuật cho biết: Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian đã khơi dậy sức sáng tác của đông đảo đội ngũ những cây viết trong cả nước. Các tác phẩm tham gia đã bám sát tinh thần của cuộc vận động; thể hiện sự nhanh nhạy trong lựa chọn những đề tài bám sát với yếu tố thời cuộc, lịch sử, kinh tế - chính trị - xã hội; mang đậm hơi thở cuộc sống.
"Bên cạnh đó, có một sự phong phú, đa dạng nhất định ở những tác giả tham gia cuộc vận động. Chúng tôi nhận thấy cuộc vận động có sự tham gia của các tác giả trải dài trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn là sự đa dạng về độ tuổi khi xuất hiện cả những tác giả trẻ đã mạnh dạn gửi bản thảo, đề cương; thể hiện những giọng điệu, cách nhìn mới với các vấn đề trong các tác phẩm. Có thể nói, cuộc vận động đã thành công trên mọi phương diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các bản thảo, đề cương được lựa chọn đều trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt; hứa hẹn đây đều sẽ là những tác phẩm Sống mãi với thời gian"- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nhận định.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, các bản thảo, đề cương khá đa dạng về thể loại, hướng tới đề tài cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh; những thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đây là những "mảnh đất" bất tận, luôn là cảm hứng và cũng luôn thách thức người sáng tạo.
Ở mảng văn học, có thể kể đến các tiểu thuyết "Người gác đèn biển" (Dương Hướng), "Việc nước việc nhà" (Nguyễn Thị Hồng Thắm), "Cuộc đụng đầu lịch sử" (Nguyễn Trọng Tân)… Ở mảng sân khấu, có nhiều kịch bản kịch nói triển vọng như "Nỗi lòng của đất" (Chu Thơm), "Ngôi nhà của Bác" (Lê Quý Hiền), "Viên gạch hồng ở Paris" (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)… và đặc biệt có kịch bản chèo "Hoa dã quỳ vẫn nở" (Nguyễn Đức Minh).
Trong lĩnh vực âm nhạc, xuất hiện những tác phẩm khí nhạc và nhạc kịch lớn như "Tự hào Việt Nam quê hương tôi" cho cello và dàn nhạc giao hưởng (Ngô Hoàng Quân); kịch bản nhạc kịch "Vầng trăng Him Lam" (Đỗ Hồng Quân); nhạc kịch "Xuân bất tử" (Ngô Quốc Tính)… Mảng múa có những vở "Dòng sông năm ấy" (Ứng Duy Thịnh); "Xống Chụ Xon Xao" (Phạm Duy Khuê)…
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết thêm, từ các đề cương, bản thảo này, Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã yêu cầu các nhà hát của Bộ mỗi nhà hát chọn 1 đề cương, bản thảo để dàn dựng theo đặt hàng của Bộ VHTTDL trong năm 2024./.