• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công bố Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Thời sự 02/12/2022 20:16

(Tổ Quốc) - Chiều 2/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi Họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Công bố Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi Họp báo.

Buổi họp báo được chủ trì bởi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; tham dự buổi họp báo về phía Bộ VHTTDL có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy.

Theo đó, 6 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thông tin, ngày 14/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với đại đa số ĐBQH tán thành.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 gồm 6 Chương, 56 Điều, tăng 10 Điều so với luật năm 2007. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này.

Luật có những điểm mới như: Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Về Luật Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật có 8 chương với 118 điều.

Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; việc thành lập Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành Kết luận thành tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.

Đáng chú ý, Luật cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.

Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ