• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Công nghệ thông tin là yếu tố then chốt để thực hiện việc quản lý người nhập cảnh hiệu quả”

Sức khỏe 02/07/2021 10:55

(Tổ Quốc) - Khẳng định “Công nghệ thông tin là yếu tố then chốt để thực hiện việc quản lý người nhập cảnh hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng tỉnh Quảng Ninh lên chương trình tập huấn cụ thể về công nghệ thông tin trong quản lý người nhập cảnh.

“Công nghệ thông tin là yếu tố then chốt để thực hiện việc quản lý người nhập cảnh hiệu quả” - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Cần thực hiện "gác cổng ngay từ đầu bên kia"

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về triển khai thí điểm "Hướng dẫn cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh". Theo đó, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian  từ 1/7 - 31/7/2021.

Thời gian cách ly y tế tập trung là 7 ngày đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Ngoài ra, có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính vào ngày thứ nhất sau khi nhập cảnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trách nhiệm của tỉnh là rất lớn trong thực hiện thí điểm việc cách ly 7 ngày với người nhập cảnh tại Quảng Ninh đã đủ điều kiện. Đây là sự tin tưởng của Trung ương với tỉnh Quảng Ninh. Do đó, Quảng Ninh luôn sẵn lòng thực hiện. "Cách ly dài ngày hơn mới lo ngại, còn cách ly ít ngày đi thì chúng ta cũng không nên quá băn khoăn…"- bà Hạnh nói.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đề nghị một số bộ, ngành liên quan cùng phối hợp với Quảng Ninh để thực hiện chính sách thí điểm này nhằm đạt hiệu quả cao. Theo đó, Bộ Ngoại Giao cần thực hiện "gác cổng ngay từ đầu bên kia", trường hợp nào cách ly 7 ngày, trường hợp nào 14 ngày và làm rõ vấn đề thu phí ngay trước khi hành khách về Việt Nam để thuận tiện hơn cho cả đơn vị thực hiện và người nhập cảnh.

"Còn nhiều nội dung chúng tôi cũng băn khoăn, do đó, chúng ta cũng cần làm rõ trách nhiệm từng bộ, ngành và địa phương như thế nào. Khi càng làm khoa học, càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu"- Bà Nguyễn Thị Hạnh nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho rằng: "Ngay khi hành khách nhập khẩu vào cảng hàng không, bộ phận liên quan phải phân loại đối tượng ngay tại cửa khẩu, để làm được điều này cần phải có thông tin trước, yêu cầu người nhập cảnh phải đăng ký trước địa điểm lưu trú và công khai mọi thông tin liên quan đến chi phí cách ly, ăn, sinh hoạt…"

 "Công nghệ thông tin là yếu tố then chốt để thực hiện việc quản lý người nhập cảnh hiệu quả"

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, khi triển khai thực hiện thí điểm, tỉnh Quảng Ninh cũng gặp một số khó khăn như chưa có đủ cơ sở để xác nhận tính pháp lý của các hồ sơ của đối tượng nhập cảnh áp dụng thí điểm, gồm: Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, danh sách các loại vắc xin được phép áp dụng trong Hướng dẫn thí điểm, giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, còn ít tài liệu để hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, giám sát người cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú; chưa có sự đồng thuận của các tỉnh/ thành phố áp dụng triển khai đón, tiếp nhận, quản lý, giám sát người hoàn thành cách ly tập trung về cách ly tại nơi cư trú; từ trước đến nay mới chỉ được hướng dẫn xét nghiệm kháng nguyên mà chưa được hướng dẫn triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2,…

Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh cử cán bộ chuyên trách để tham gia tập huấn cùng các chuyên gia công nghệ của Bộ Thông tin và Truyền thông về phần mềm quản lý người nhập cảnh...

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định "Công nghệ thông tin là yếu tố then chốt để thực hiện việc quản lý người nhập cảnh hiệu quả". Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh lên chương trình tập huấn cụ thể về công nghệ thông tin trong quản lý người nhập cảnh.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ