(Tổ quốc)- Là môn nghệ thuật thứ bảy, ra đời sau các loại hình nghệ thuật khác nhưng điện ảnh ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình. Là một loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng, điện ảnh giờ đây đã trở thành một loại hình giải trí tác động đến cả thương mại hóa, đại chúng hóa và công nghiệp hóa.
Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của điện ảnh, cùng với sự phản ánh hiện thực khách quan, đã khiến cho điện ảnh trở thành tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, hay nói rộng hơn, còn là tấm gương phản chiếu thời đại. Nhìn vào hành trình hơn 60 năm qua của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, có thể thấy rõ sự phản chiếu thời đại rõ nét trong các tác phẩm điện ảnh.
Chiến tranh – nguồn cảm hứng bất tận
Phản ánh hiện thực khách quan luôn là tiêu chí đầu tiên cho một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Đầu thế kỷ XX, điện ảnh đã được du nhập vào Việt Nam nhưng nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam chỉ được khai sinh vào ngày 15/3/1953 tại Chiến khu Việt Bắc (ATK), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Ra đời và trưởng thành bom đạn của hai cuộc chiến tranh, điện ảnh Việt Nam từng được mệnh danh là "nền điện ảnh chiến tranh" bởi chiến tranh trở thành đề tài chủ đạo, thành cảm hứng xuyên suốt của các nhà làm phim. Và thực tế cho thấy, nhiều bộ phim có giá trị nhất, được coi là kinh điển của điện ảnh Việt Nam là phim về đề tài chiến tranh Cách mạng.
Từ khi ra đời đến cuối những năm 1950, nền điện ảnh Cách mạng non trẻ đã bám sát hiện thực cuộc chiến tranh của dân tộc bằng những thước phim tài liệu phản ánh mọi mặt của cuộc chiến trên khắp mọi miền tổ quốc, từ bưng biền Đồng Tháp Mười tới khúc ruột miền Trung và chiến khu Việt Bắc.
Cảnh phim Chung một dòng sông
Chung một dòng sông - Bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Cách mạng cũng phản ánh hiện thực nóng bỏng nhất của giai đoạn đó. Qua môtip mang ý nghĩa tượng trưng: mối tình bị ngăn trở của đôi trai gái yêu nhau cũng là hình ảnh của hai miền Nam - Bắc nước ta bị chia cắt bởi chiến tranh, Chung một dòng sông đã đạt được yêu cầu về mặt nội dung tư tưởng, đề cập đến vấn đề nóng hổi của dân tộc lúc đó là đấu tranh thống nhất nước nhà.
Kể từ đó, phim truyện điện ảnh không chỉ phản ánh mọi mặt của hiện thực cuộc sống – hiện thực cuộc chiến tranh mà còn góp phần động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Hàng loạt các tác phẩm như Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… phản ánh cuộc chiến tranh từ nhiều góc độ và đều trở thành những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Hàng chục năm từ khi ra đời, trải dài qua hai cuộc kháng chiến, đề tài chiến tranh với những hiện thực ngồn ngộn đã trở thành một đề tài quan trọng của điện ảnh Việt Nam. Sau năm 1975, ngay cả khi đất nước đã thống nhất, cả dân tộc bước vào cuộc sống hòa bình thì phần lớn những tác phẩm điện ảnh thành công nhất vẫn là bộ phim phản ảnh chiến tranh hoặc khai thác những vấn đề ngóc ngách sau chiến tranh hay những bi kịch thời hậu chiến. Có thể kể đến những bộ phim như: Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười, Tội lỗi cuối cùng, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Tuổi thơ dữ dội…
Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 của thế kỷ XX, mạch cảm xúc về chiến tranh vẫn còn được thế hệ các đạo diễn sinh vào những năm 1950 tiếp nối với hàng loạt những tác phẩm vừa mang tính chiêm nghiệm, vừa là những góc nhìn rất riêng của thế hệ những người trẻ tuổi ở thời điểm đó về cuộc chiến đã qua.
Cảnh phim Canh bạc
Cùng với Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Ai xuôi vạn lý, Cây bạch đàn vô danh, Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Hoa của trời, Ngã ba Đồng Lộc, Đời cát, Bến không chồng… chiến tranh đã mang hơi thở của thời đại với những góc nhìn đa diện, cho thấy niềm hy vọng hoan ca, về một thế hệ trẻ giàu lòng tự trọng, dám nghĩ khác, nhất định sẽ tạo dựng được một tương lai tươi sáng sau những ký ức chiến tranh của một thời.
Luồng gió mới trong sáng tác điện ảnh
Những năm 1990 cũng đánh dấu một bước chuyển lớn của đất nước: thời kỳ Đổi mới. Chủ trương đổi mới trong lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng đã tạo nên những đổi thay rõ rệt trong tư duy sáng tác của các nghệ sĩ. Bắt nguồn từ đời sống và là tấm gương phản chiếu xã hội, văn học nghệ thuật – trong đó có điện ảnh – cũng bước vào một thời kỳ đổi mới, bám sát hiện thực cuộc sống. Mang đặc trưng riêng của một ngành công nghiệp sản xuất, điện ảnh không có ngay lập tức những tác phẩm phản ánh những chuyển biến mang tính thời sự của xã hội như các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là văn học. Những bộ phim ra đời ở thời điểm “giao thời”, đặc biệt là đầu thời kỳ Đổi mới như Tướng về hưu, Cô gái trên sông, Gánh xiếc rong… thường dấy lên những dư luận khen chê trái chiều. Có thể coi đây là một dấu hiệu đáng mừng bởi nó mở ra một thời kỳ mới về sáng tác và thưởng thức nghệ thuật, khi đã một quãng thời gian dài người ta quen nghĩ, nghe và nói theo một chiều thuận. Những luồng tư tưởng mới của thời đại đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền điện ảnh trong giai đoạn đó. Những nhận thức mới mẻ về tư tưởng đã góp phần đa dạng hóa các tác phẩm điện ảnh, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm phản ảnh muôn mặt của đời sống, với những góc khuất trái chiều để từ đó tổng quát được bức tranh đa dạng và những vấn đề căn bản của hiện thực xã hội. Bầu không khí cởi mở sau Đổi mới đã tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều tác phảm điện ảnh vừa táo bạo về nội dung vừa mới mẻ, phá cách trong hình thức biểu hiện.
Tư duy cách tân mở ra hướng đi mới
Đầu những năm 1990, bên cạnh những bộ phim tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh thì những bộ phim phản ánh hiện thực cuộc sống hòa bình ngày càng nhiều. Đặc biệt, một vài bộ phim được đánh giá là thành công về nghệ thuật còn đi liền với thành công về mặt thương mại, đánh dấu một tư duy mới trong việc coi điện ảnh không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp, vừa mang tính giải trí vừa mang lại lợi nhuận.
Cảnh phim Vị đắng tình yêu
Bộ phim Vị đắng tình yêu từng mang lại thành công bất ngờ cả về nghệ thuật và doanh thu, mở màn cho một trào lưu mới là làm phim thương mại.
Gái nhảy ra mắt vào dịp đầu năm 2003 đã trở thành một sự kiện nổi bật của điện ảnh Việt Nam khi nó là bộ phim ăn khách nhất với doanh thu khoảng 12 tỷ đồng – một kỷ lục về doanh thu của điện ảnh Việt Nam mà chưa có bộ phim nào (kể cả phim Mỹ) đạt được ở thị trường Việt Nam.
Gái nhảy là một bộ phim mang tính đột phá của điện ảnh Việt Nam ở thời điểm đó, khi mà các nhà làm phim vẫn đang loay hoay đi tìm câu trả lời cho khuynh hướng làm phim: thương mại hay nghệ thuật? làm phim đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khán giả hay làm phim với mục đích tuyên truyền để chiếu vài dịp kỷ niệm rồi cất vào kho? Gái nhảy đã gợi mở một hướng đi mới đầy tiềm năng: vừa thu hút khán giả và trở thành một bộ phim ăn khách đầu bảng nhưng vẫn mang những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, đặc biệt là hiệu quả trong việc chuyển tải những thông điệp xã hội một cách dễ cảm thụ và hấp dẫn.
Cảnh phim Lọ lem hè phố
Có thể nói, với Gái nhảy và Lọ lem hè phố, đạo diễn Lê Hoàng đã góp phần mở ra xu hướng làm những bộ phim giải trí ăn khách – một điều đặc biệt cần thiết với điện ảnh Việt Nam thời điểm đó, khi dòng phim thương mại “mì ăn liền” đã rơi vào cảnh chợ chiều từ năm 1995, phong trào bỏ vốn làm phim của các nhà sản xuất phim tư nhân tan rã. Trong khi đó, nhiều bộ phim do Nhà nước tài trợ, đặt hàng dù được đánh giá tốt về nghệ thuật, đoạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim trong nước và quốc tế nhưng lại thu hút rất ít khán giả tới rạp xem phim. Thực tế cho thấy, kể từ đó, điện ảnh Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn của những bộ phim hướng tới khán giả và liên tiếp lập nên những kỷ lục doanh thu phòng vé, tạo đà cho điện ảnh Việt tạo dựng một thị trường điện ảnh tiềm năng với lợi thế dân số hơn 90 triệu người và đang ở thời kỳ “dân số vàng”.