(Tổ Quốc) - Sau thời gian cách ly bởi dịch COVID-19 vừa qua, dạy và học trực tuyến đã trở thành một hình thức học tập quen thuộc đối với học sinh Việt Nam. Hướng tới công nhận hình thức dạy học trực tuyến như một hình thức dạy học chính thức, Bộ GDĐT đã xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
- 30.07.2020 Tiếp tục một trường cho sinh viên học trực tuyến kỳ I năm học 2020-2021
- 27.03.2020 Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức công nhận kết quả học trực tuyến cho sinh viên
- 23.03.2020 Bộ GD&ĐT cho phép các trường Đại học công nhận kết quả học trực tuyến
- 17.03.2020 Dạy học trong thời dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh công nhận kết quả dạy học trực tuyến, trên truyền hình
- 12.03.2020 Bộ GD-ĐT đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, công nhận kết quả học trực tuyến
Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang ngày một chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và hướng đến thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Khi Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc ban hành Thông tư công nhận phương thức dạy học trực tuyến và quy định việc quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên càng có ý nghĩa đặc biệt.
Dạy học trực tuyến mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT), khi xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT xác định mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến được trường vì những lí do khách quan. Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.
Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Như vậy, dạy học trực tuyến tạo điền kiện cho học sinh và giáo viên có cơ hội hình thành và phát triển nhiều năng lực như: "Tự chủ và tự học", "năng lực tin học", "năng lực công nghệ", "giải quyết vấn đề và sáng tạo". Đây cũng là 4 trong số 10 năng lực cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu hình thành và phát triển cho người học.
Công nhận kết quả học tập trực tuyến như học tập trực tiếp
Dự thảo Thông tư của Bộ GDĐT đặt nguyên tắc đối với việc dạy học trực tuyến là phải "đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kĩ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh". Đặc biệt, "không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh" trong việc tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến.
Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh.
Điều 7 của Dự thảo Thông tư quy định việc Đánh giá và xét, công nhận kết quả học tập trực tuyến đã nêu rõ: Đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; Đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định. Điều này có nghĩa, việc đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh dù học theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp đều có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên đánh giá định kỳ buộc phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp và tập trung tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.
Ba hình thức tổ chức dạy học trực tuyến
Dự thảo Thông tư của Bộ GDĐT quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là hình thức Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.
Hình thức thứ hai là Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Lúc này, giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.
Hình thức thứ ba là Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.
Các nội dung khác về: tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến; quản lý và lưu trữ hồ sơ; hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học; quyền và nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên, học sinh; trách nhiệm của Sở/Phòng GDĐT và cơ sở giáo dục phổ thông trong việc tổ chức dạy học trực tuyến… cũng được quy định rõ trong dự thảo Thông tư. Trong đó đáng chú ý là quy định giáo viên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến và thực hiện được việc dạy học trực tuyến. Tổ chức hoạt động này thuộc trách nhiệm của Sở/Phòng GDĐT và cơ sở giáo dục phổ thông.
Căn cứ Thông tư của Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ xây dựng nội quy dạy học trực tuyến của cơ sở mình, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của hoạt động dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng dạy học.
Những quy định liên quan đến dạy học trực tuyến, kế hoạch giáo dục, điều kiện đảm bảo việc dạy học trực tuyến phải được cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai.
Dự thảo đăng tải lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 11/10/2020.