(Tổ Quốc) - Tối ngày 8/02/2022 (giờ Hà Nội), Kỳ họp lần thứ 15 Uỷ ban liên Chính phủ (UBLCP) Công ước UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (Công ước 2005) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Kỳ họp có sự tham dự của đại diện các quốc gia thành viên của UBLCP Công ước theo nhiệm kỳ, các nước thành viên khác, quan sát viên, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, phi chính phủ.. với phần chủ trì và điều hành của Tiến sỹ Dr. Nasser Hamad Hinzab, Đại sứ Trưởng đại diện Phái đoàn thường trực Qatar tại UNESCO.
Bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Đầu mối quốc gia của Việt Nam tại Công ước 2005 và bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ Trưởng đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam tại UNESCO tham dự Kỳ họp với vai trò đại diện Việt Nam - Thành viên UBLCP của Công ước nhiệm kỳ 2021-2025.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, ông Ernesto Ottone, Trợ ký Tổng Giám đốc UNESCO về Văn hóa khẳng định đa dạng văn hóa giúp chúng ta đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19. Với tinh thần đó, UNESCO và Tổ chức Y tế thế giới WHO sẽ lần đầu tiên phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao về "Sức mạnh hàn gắn của văn hóa và sáng tạo". Ông nhấn mạnh UNESCO đã và đang làm việc không mệt mỏi để cho thấy những tác động của đại dịch tới lĩnh vực sáng tạo thông qua những minh chứng cụ thể nhằm hỗ trợ các quốc gia đưa ra những quyết sách ứng phó phù hợp. Hai năm diễn ra đại dịch cũng khiến chúng ta đứng trước lựa chọn phải cải tổ hệ sinh thái văn hóa có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn. Tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh Abu Dhabi về văn hóa sáng tạo được tổ chức vào tháng 5/2022 sẽ thông qua một kế hoạch chiến lược hướng tới việc củng cố lĩnh vực văn hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thông điệp của Hội nghị sẽ tiếp tục được lan tỏa tại Hội nghị Thế giới về Văn hóa (Mondiacult 2022) do UNESCO tổ chức tại Mexico vào tháng 9/2022.
Báo cáo về các hoạt động của Ban Thư ký Công ước tại Kỳ họp nêu rõ những ưu tiên chính bao gồm: hỗ trợ thực thi Công ước và thực thi các quyết định đã ban hành của Uỷ ban; giám sát việc thực hiện Công ước trên toàn cầu thông qua các công cụ quản lý và chia sẻ tri thức; nâng cao năng lực thông qua các chương trình hợp tác và hỗ trợ quốc tế; và nâng cao nhận thức của các bên liên quan thông qua truyền thông và các sáng kiến hỗ trợ. Một số hoạt động nổi bật của Ban Thư ký bao gồm việc tiếp tục triển khai phong trào "ResiliArt movement" khuyến khích tham gia các diễn đàn, đối thoại, chia sẻ dữ liệu do UNESCO tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tác động của đại dịch Covid-19 đối với sinh kế của các nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa, đồng thời chứng minh khả năng phục hồi của nghệ thuật trong bối cảnh nhiều thách thức; xuất bản một số ấn phẩm như Báo cáo toàn cầu về tái định hình chính sách trong lĩnh vực sáng tạo; Giới và Sáng tạo (Gender and Creativity), Ngành văn hóa và sáng tạo trước thách thức của Covid-19 (Cultural and Creative Industry in the Face of Covid-19)… Ban Thư ký cũng kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ thực thi công ước thông qua đóng góp tự nguyện tài chính cũng như đóng góp về chuyên môn và nhân lực.
Tại kỳ họp, các quốc gia đánh giá cao nỗ lực hoạt động hiệu quả của Ban Thư ký Công ước trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, đồng thời chia sẻ những chính sách, biện pháp của mỗi nước nhằm thực hiện Công ước trong năm qua.
Phát biểu tại Kỳ họp, bà Nguyễn Phương Hòa cho biết ngay sau khi Việt Nam trúng cử Thành viên UBLCP của Công ước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với vai trò điều phối đã ban hành Kế hoạch các hoạt động triển khai trong nhiệm kỳ 2021-2025 trong đó đề ra cam kết mạnh mẽ trong việc thực thi Công ước ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Bà Nguyễn Phương Hòa cũng chia sẻ thông tin về Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Việt Nam được tổ chức tháng 11/2021 vừa qua đã đưa ra những định hướng chiến lược nhằm chấn hưng và phát triển nền văn hóa của Việt Nam hướng tới việc xây dựng quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam toàn diện, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị, có chính sách ưu tiên và đối ưu đãi đối với dân tộc thiểu số và các nhóm người dễ bị tổn thương. Chiến lược xác định tiếp tục đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực thi hiệu quả việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá. Theo đó, nhiều hoạt động về chuyển đổi số đã được thực hiện tích cực thông qua các chương trình, dự án về số hóa thư viện, di sản văn hoá, bảo tàng, nhà hát trực tuyến… Ngoài ra, năm 2022, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án Phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm tăng cường nhận thức và đặt văn hóa, sáng tạo vào trung tâm của phát triển bền vững ở các địa phương.
Cũng tại kỳ họp lần này, Báo cáo toàn cầu về Tái định hình chính sách trong lĩnh vực sáng tạo đã chính thức ra mắt. Báo cáo cung cấp bản cập nhật thông tin, số liệu toàn cầu về việc thực hiện Công ước bốn năm một lần nhằm hỗ trợ các quyết sách trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Đây là ấn bản Báo cáo toàn cầu lần thứ 3 được xây dựng dựa trên 96 báo cáo quốc gia của các nước thành viên trong giai đoạn 2017-2020 và các nguồn thông tin khác.
Phát biểu tại Lễ ra mắt Báo cáo toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thụy Điển Jeanete Gustafsdotter với tư cách là quốc gia tài trợ cho việc xây dựng Báo cáo đã nhấn mạnh đây là ấn phẩm đặc biệt duy nhất cung cấp những xu thế mới trong chính sách văn hóa ở cấp toàn cầu, đồng thời là công cụ giám sát việc các quốc gia bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá. Bà bày tỏ hy vọng Báo cáo sẽ hỗ trợ các quốc gia ban hành các chính sách hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của xã hội trong đó có văn hoá.
Kỳ họp lần thứ 15 UBLCP Công ước 2005 sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 11/02/2022 với các nội dung liên quan đến Quỹ quốc tế về đa dạng văn hóa (IFCD), khuyến nghị của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, kế hoạch hoạt động của Công ước giai đoạn 2021-2022 và các vấn đề liên quan khác./.