• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội trong tương lai

Văn hoá 24/11/2023 21:01

(Tổ Quốc) - Ngày 24/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, đã diễn ra Hội thảo "Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp". Hội thảo là một trong các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Tiềm năng phát triển du lịch

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội đang tập trung thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW 2021, Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; nhiều Nghị quyết của Thành ủy, chương trình hành động của UBND thành phố, cho công cuộc phát triển quy hoạch - kiến trúc xứng đáng tầm vóc Thủ đô của đất nước.

Đặc biệt, Nghị quyết 15-NQ/TW 2022 của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc coi nguồn lực văn hóa là nguồn lực mới để phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Nghị quyết 12 của Chính phủ để hiện thực hóa 15-NQ/TW 2022 có đưa ra vấn đề giao cho Hà Nội xây dựng không gian sáng tạo bên bờ sông Hồng. Và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TTg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội trong tương lai - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại hội thảo

"Vì vậy, hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 để hiện thực các chủ trương của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội. Hội thảo tạo ra cơ hội tập hợp các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hóa – lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước" – ông Đỗ Đình Hồng nói.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết: Trước kia, có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng trong đó có vấn đề về đê điều. Trong các năm 1994 và 2006, có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng đến nay do nhiều vướng mắc nên chưa triển khai thực hiện được.

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội trong tương lai - Ảnh 2.

Ban chủ tọa

"Tuy nhiên, hiện nay, thành phố Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng nhằm tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô" – ông Nguyễn Bá Nguyên nhấn mạnh.

Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành khung thiên nhiên, điểm nhấn đặc sắc của đô thị Hà Nội trong tương lai, theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam KTS Trần Ngọc Chính: "Việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của bãi giữa sông Hồng, tạo không gian mở, xanh, đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, tham quan du lịch hấp dẫn du khách, giải quyết bài toán thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa, sáng tạo, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và triển lãm nghệ thuật của người dân Thủ đô. Đây sẽ là điểm tựa để đưa con sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội, trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, việc xây dựng không gian này sẽ cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử".

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội trong tương lai - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm TS.KTS Phạm Tuấn Long chia sẻ tại hội thảo

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm TS.KTS Phạm Tuấn Long chia sẻ: Thành phố Hà Nội đang thiếu không gian cây xanh công cộng, các công viên mở với diện tích lớn. Hiện các không gian xanh quy mô nhỏ không đáp ứng được yêu cầu sử dụng của người dân. Trong khi đó, bãi giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là một không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng. Qua đó, khách du lịch không chỉ được cảm nhận một không gian sống mật độ cao, tích tụ nhiều tầng văn hóa mà còn được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh sinh thái trên mặt nước.

Bàn giải pháp để phát triển bền vững

Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển khu vực bãi giữa và bãi nổi sông Hồng; nâng cao hiệu quả quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ; khai thác hiệu quả các quỹ đất bị lãng quên, các công trình công cộng hoặc công nghiệp không còn phù hợp, chuyển đổi chức năng thành các không gian sáng tạo, không gian công cộng trong đô thị…

Để có thể khai thác xây dựng công viên một cách hiệu quả, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng: "Khi quy hoạch công viên văn hóa cảnh quan ở khu vực bãi giữa sông Hồng cần đặc biệt quan tâm đến việc kết nối các yếu tố cốt lõi như thiên nhiên, văn hóa và cộng đồng xã hội vì không chỉ mang thiên nhiên đến cho việc thư giãn và rèn luyện sức khỏe mà còn là nơi cho các hoạt động văn hóa, giao lưu xã hội. Việc quy hoạch và thiết kế công viên tốt không chỉ giúp tăng cường chất lượng sống trong đô thị mà còn giúp cho đô thị trở nên bền vững hơn. Hơn nữa, cần phải quan tâm đến tác động của một khu đô thị tới môi trường nhất là sức chịu tải của bãi bồi khi nơi đây trở thành địa điểm văn hóa, trung tâm vui chơi giải trí".

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội trong tương lai - Ảnh 4.

Không gian hội thảo

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS. KTS Phan Đăng Sơn cho biết: Với tất cả các bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền. Việc tạo lập này chính là một cơ hội rất lớn để nội thành Hà Nội có rau xanh sạch, quả sạch, hoa tươi... Các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống con người một cách chủ động và tin cậy nhất. Bên cạnh đó, cách làm này sẽ tạo nên sự hấp dẫn khác lạ trong khai thác du lịch dịch vụ, khi mà toàn tuyến bãi giữa mang lại một sắc thái "nông thôn giữa thành thị đặc biệt" góp phần xây dựng hệ thống cân bằng sinh thái bền vững, đặc sắc cho thành phố vào tương lai.

"Đồng thời, cần phải chọn giải pháp thiết kế với mật độ xây dựng ít nhất trên mặt đất của bãi giữa sông. Với các bãi bồi ven bờ, việc tạo dựng vật thể kiến trúc, nhất là loại có quy mô rộng và cao có thể mật độ đậm đặc hơn, nhưng cần có tính toán và điều tiết hợp lý. Việc phát triển cả hai không gian này trong trục lõi đô thị đã xoay về hướng sông nên càng cần được xem xét thấu đáo. Trong những giải pháp đó, những chiếc bắc cầu qua, nhất là những chiếc cầu mang yếu tố lịch sử cần được tham chiếu, tích hợp để trở thành những miếng ghép tạo lập. Ngoài ra, vấn đề văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam cũng cần ưu tiên đặc biệt, nhằm tạo cơ hội tôn vinh, thăng hoa cao nhất ở những vùng đất này" – KTS Phan Đăng Sơn nói.

Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Điểm nhấn đặc sắc của Hà Nội trong tương lai - Ảnh 5.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia trong nước và nước ngoài tham dự

Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, để xây dựng công viên đa chức năng thuộc khu vực bãi giữa sông Hồng là điểm nhấn của trục cảnh quan sông Hồng, chúng ta cần xác định rõ cầu Long Biên là thông số quan trọng và tất yếu, cần phải bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của cây cầu để tạo sự kết nối trong trục cảnh quan. Bên cạnh đó, có 5 nội dung cần tập trung. Đó là quy hoạch và kiểm soát không gian; Thiết lập cơ chế, chính sách phục vụ cho quản lý sau quy hoạch; Quy trình thực hiện theo giai đoạn. Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; Thực hiện quy chế quản lý, vận hành, duy tu, duy trì.

"Đặc biệt, cần phải chú trọng đến giao thông, phải kết nối đường thủy và đường bộ; Hạn chế tối đa bê tông hóa đối với khu vực bãi giữa. Nhưng đồng phải giữ và khai thác được cầu Long Biên. Điều này đặt trách nhiệm cao cho Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ. Cần xác định cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu, có vị trí xứng đáng trong bất kỳ quy hoạch nào" - ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh một lần nữa./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ