(Tổ Quốc) - Trong các công việc "hái ra tiền", công nghệ thông tin được xem như là nghề "hot" được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi đặc trưng cũng như sự hấp dẫn của các cơ hội làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước.
Nhìn vào các lao động trong lĩnh vực CNTT trên thế giới có thể điểm danh nhiều tỷ phú công nghệ với tài sản khổng lồ như Bill Gates, Jack Ma, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos… Lao động trong lĩnh vực CNTT cũng được trả lương khá hậu hĩnh với những lời chào mời hấp dẫn.
Tuy nhiên đối với các sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT tại Việt Nam thì đó là một đích đến khá xa vời, thực tế là có khoảng 70% sinh viên mới tốt nghiệp thiếu những hiểu biết về nghề nghiệp và công việc mình theo đuổi.
Chế độ làm việc hấp dẫn và lương bổng cao thu hút hàng nghìn lao động trong lĩnh vực CNTT (ảnh: VNUK)
Cử nhân CNTT phải bổ trợ thêm kỹ năng mới có thể làm việc được
Mặc dù đây cũng là tình trạng chung đối với nhiều nghề nghiệp khác nhưng CNTT là một lĩnh vực thay đổi rất nhanh, với yêu cầu cao, lại đông người theo học nên khả năng cạnh tranh của những người học CNTT trong nước thấp hơn nhiều so với mặt bằng trình độ chung của các nước trong khu vực châu Á (Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…)
Nhìn nhận về nhân lực CNTT, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây là nguồn nhân lực rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để đào tạo được nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu thực tế cần nhiều yếu tố như, sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ lõi và phải được trang bị các kỹ năng nghiên cứu độc lập, các kỹ năng bổ trợ cho công việc.
Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP.HCM thì cho biết, hiện các chương trình đào tạo CNTT trong nước chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư CNTT chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu công việc, còn hơn 70% còn lại phải đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng (trong khoảng 3 tháng) mới có thể đáp ứng được công việc ban đầu.
Các kỹ sư CNTT cũng phải đối diện với một thực tế là tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh, cách tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ, các kỹ năng cần thiết trong công việc cũng thay đổi theo phân công lao động quốc tế hóa… Vì vậy, lao động CNTT cần phải thường xuyên cập nhật cho nhu cầu nguồn nhân lực và cần có sự phối hợp đa dạng để giúp nâng cao chất lượng lao động.
Trên trang Vietnamworks các cơ hội việc làm ngành IT chiếm vị trí trung tâm của trang
Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn của nhiều kỹ sư IT
Với kinh nghiệm làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Đình Huấn, Trưởng Phòng CNTT của một Trung tâm CNTT cấp Bộ cho biết, nhân lực đảm nhận công việc CNTT tại các cơ quan nhà nước ngoài những kỹ năng mềm như khả năng nhìn nhận, giải quyết, triển khai công việc, kỹ năng làm việc nhóm cũng như hiểu về các quy định ràng buộc về trách nhiệm của người làm công chức, viên chức… thì cần phải có chuyên môn nhất định về CNTT.
Tối thiểu người lao động làm công việc về CNTT trong các cơ quan nhà nước cần phải có hiểu biết về tổng thể hệ thống CNTT, biết phân tích và đề xuất, lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất theo nhu cầu sử dụng nhân công tại các cơ quan. Người lao động cũng cần phải có hiểu biết về lập trình cơ bản vì mỗi cơ quan sẽ có những yêu cầu riêng nên người lao động sẽ phải phát triển từ những kiến thức cơ bản này, ông Huấn cho biết.
Tìm hiểu thêm về những cơ hội và ưu thế dành cho nhân lực CNTT tại các cơ quan, đơn vị nhà nước được biết, những lao động làm việc trong môi trường này sẽ có nhiều cơ hội để trau dồi kỹ năng, rèn luyện, học tập trong quá trình triển khai công việc. Người lao động có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nghiệp vụ chuyên môn, hiểu biết sâu hơn về công việc chuyên ngành mình từng học. Được đào tạo trực tiếp bằng chính công việc thực tế của mình, tiếp xúc với các chuyên gia trong và ngoài nước trong quá trình triển khai các dự án ứng dụng CNTT. Đó là những cơ hội rất tốt mà một kỹ sư CNTT có thể tìm thấy trong hàng nghìn cơ hội việc làm ở các DNNN.
Thực tế là Việt Nam vẫn thiếu hàng trăm nghìn lao động trong lĩnh vực CNTT
Trước xu hướng việc làm và từ thực tế nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị đối với nhân lực CNTT cho thấy, mỗi năm số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước tăng khoảng 30.000, đến năm 2020 dự kiến các doanh nghiệp sẽ phải tuyển khoảng 1 triệu nhân lực CNTT.
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế số, nhiều sự thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen, CNTT ngày càng có vai trò, tác động mạnh. Theo tính toán, mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp CNTT thì nhu cầu việc làm là rất lớn, năm 2020 sẽ cần khoảng 100.000 cử nhân kỹ sư CNTT.
Trong khi đó, theo số liệu của Vietnamworks, website tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam cho thấy, tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 400.000 lao động trong lĩnh vực CNTT, và mỗi năm cần cung ứng mới khoảng xấp xỉ 80.000 lao động trong lĩnh vực này. Cũng theo trang này, hàng ngày có hơn 1.000 lời "mời chào" dành cho các vị trí việc làm trong lĩnh vực IT với chế độ lương bổng hấp dẫn.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của các doanh nghiệp CNTT trong nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để đạt được mục tiêu Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045 phải dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghiệp, vào các doanh nghiệp công nghệ số, các đơn vị CNTT…
CNTT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, của chuyển đổi số, của kinh tế số và xã hội số. Trong cuộc cạnh tranh về nhân lực, nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu của thay đổi công nghệ, làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình thì nước đó sẽ chiến thắng. Trong cuộc cạnh tranh này, nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nguồn nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng những thay đổi của thời đại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định về cơ hội nhân lực CNTT.