(Tổ Quốc) - Cử tri bày tỏ lo lắng trước tình hình xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội...; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh...
- 20.05.2019 Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các tài liệu, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung
- 20.05.2019 Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước kỳ họp Quốc hội
- 20.05.2019 Sáng nay, khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV
- 17.05.2019 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp này sẽ bàn về việc ra nghị quyết nhằm hạn chế ngay tình trạng uống rượu bia khi lái xe
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tại phiên họp. (Nguồn: Quochoi.vn)
Tại báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, từ sau kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 80 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 1.835 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên (tính đến ngày 08/5/2019).
Cụ thể, cử tri và nhân dân lo lắng về tình hình mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở nhiều địa phương…
"Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bức xúc về một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn , ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em; nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng và các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm", báo cáo nêu.
Cử tri cũng đề cập đến các vụ "bạo lực học đường" liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi; sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong Nhân dân. Cử tri và Nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm.
"Đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội", báo cáo nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự phiên họp. (Nguồn: Quochoi.vn)
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình việc Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tổng rà soát công tác cán bộ từ Trung ương đến địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân vẫn phản ánh và cho rằng tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "chạy" thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã rút kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý (thuộc 15 vấn đề và 6 kiến nghị được Ủy ban Trung ương MTTQ nêu ra tại Kỳ họp thứ 6).
Ghi nhận nỗ lực này, song Báo cáo cũng cho biết, "còn một số nội dung cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị tại nhiều kỳ họp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết". Tại Kỳ họp thứ Bảy, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề. Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, có các giải pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, băng nhóm "xã hội đen".
"Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật đã và đang gây bức xúc trong xã hội"; đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là trật tự an toàn giao thông và phòng, chống ma túy, tội phạm", báo cáo nêu.