(Tổ Quốc) - Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.
- 21.11.2023 Đại biểu Quốc hội: Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp
- 21.11.2023 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập
- 21.11.2023 Xét xử các vụ án hình sự năm 2023: Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội
- 21.11.2023 Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ năm 2023 được phát hiện nhiều hơn 51,63% so với năm trước
Tiếp theo chương trình tại Kỳ họp thứ 6, chiều nay 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm đến đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội phát triển rất nhanh và mạnh mẽ, kinh tế càng phát triển thì mâu thuẫn tranh chấp kinh tế không thể tránh khỏi, kể cả vi phạm pháp luật và tội phạm.
Đại biểu ghi nhận những nỗ lực trong phòng chống tội phạm, đã khởi tố truy tố và xét xử, tạo lập được niềm tin của người dân, của cử tri, tin tưởng vào pháp luật, vào công lý và xa hơn nữa là tin tưởng vào chế độ.
Tuy nhiên, theo đại biểu, sự nỗ lực của các cơ quan hiện nay rất đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước chưa và tạo lập niềm tin vững chắc với người dân.
Cho ý kiến về báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhận thấy còn một số vấn đề cần được góp ý thêm, đó là báo cáo mới chỉ nêu được những việc đã làm của ngành kiểm sát theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trước diễn biến về tình hình tội phạm vi phạm pháp luật cũng như tình hình khiếu kiện hành chính tranh chấp dân sự kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, tình hình những năm tiếp theo năm 2024, 2025 sẽ như thế nào, trong báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao chưa đưa ra được những dự báo để ngành kiểm soát có thể làm tốt hơn công tác được giao phó trong thời gian tới.
Báo cáo cũng chưa đề xuất được với Quốc hội những giải pháp đối với việc đối phó với tình hình có liên quan đến chức năng của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và thực thi pháp luật trong từng lĩnh vực.
Đại biểu cũng cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đã đạt được những kết quả nhất định, ngành kiểm soát đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp cũng đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.
"Trong báo cáo có nêu về các số liệu vụ án, số bị can bị các cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố điều tra. Viện kiểm sát nhân tối cao cũng đã khởi tố điều tra các bị can là công chức ngành Kiểm sát về tội nhận hối lộ và không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, nhưng ở các ngành khác như công an, tòa án, việc vi phạm pháp luật ở các cơ quan điều tra cơ quan xét xử tại sao lại không được nêu trong báo cáo" - đại biểu nêu rõ, đồng thời đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao nên có báo cáo bổ sung rõ hơn nội dung này với Quốc hội.
Vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả
Qua nghiên cứu Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp. Qua đó bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.
Tuy vậy, theo đại biểu, dù đã có những cố gắng nhưng tổng thể nhìn chung thực trạng tội phạm vẫn đang gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản, trong đó có tội phạm về ma túy là vấn đề mà cử tri và nhân dân là hết sức quan tâm.
Cho rằng tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dịch vụ lưu trú diễn ra ở nhiều địa phương, xuất hiện một số loại ma túy, hình thức núp bóng dưới thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên.
Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Theo đại biểu, vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả. Mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi, giải trí. Chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh.
Theo Điều 30 Luật An ninh mạng, chúng ta đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trên thực tế, lực lượng này đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên lực lượng này cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, để kịp thời xử lý một cách thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng.
Đại biểu cũng cho rằng, có thể cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này./.