• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cung điện gió tồn tại theo thời gian: Cách Ấn Độ xây dựng và bảo tồn di sản đáng học hỏi sau hàng trăm năm

Văn hoá 26/05/2023 19:59

(Tổ Quốc) - Vào năm 2015, Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng có tên là Sứ mệnh Thành phố Thông minh Quốc gia nhằm mục đích xây dựng 100 trung tâm đô thị trở nên đáng sống và bền vững hơn thông qua các giải pháp sáng tạo và toàn diện.

Theo hãng CNN, các nhà sử học cho rằng Ấn Độ gần đây mới phát động dự án thành phố thông minh nhưng sáng kiến "thông minh" của thành phố Jaipur (Ân Độ) đã tồn tại từ hàng thế kỷ trước.

Cung điện gió vĩnh cữu cùng thời gian: Cách Ấn Độ xây dựng và bảo tồn di sản đáng học hỏi sau hàng trăm năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Hiện tại, nổi tiếng với những tòa nhà màu hồng lịch sử, đây là "thành phố được quy hoạch" đầu tiên của Vua Maharaja Sawai Jai Singh, một nhà thiên văn học đã sử dụng vị trí đắc địa làm kim chỉ nam khi quyết định hướng và vị trí của các công trình. Nổi bật hơn cả là Cung điện gió Hawa Mahal, nơi không chỉ có kiến trúc tuyệt đẹp mà còn mang đến những bài học về xây dựng kiến trúc bền vững. Được hoàn thành vào năm 1799 và hiện là Di sản Thế giới của UNESCO, ngày nay Hawa Mahal là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của Ấn Độ và là điểm đến thu hút khách du lịch nổi tiếng. Đại diện ngành quản lý di tích cho biết khoảng 1 triệu du khách ghé thăm địa điểm này mỗi năm. Cung điện gió Hawa Mahal nằm ở trung tâm thành phố Jaipur xinh đẹp của Ấn Độ. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng về văn hóa.

Nổi tiếng bởi mặt sau kiến trúc

Hawa Mahal là một công trình kiến trúc hùng vĩ với những tòa kim tự tháp cao 5 tầng. Với chiều cao đáng kinh ngạc là 87 feet, bao gồm 953 cửa sổ có mái che được trang trí công phu, đây là một bữa tiệc mãn nhãn nếu du khách muốn chiêm ngưỡng. Nhưng ít du khách nhận ra những gì nhìn thấy trên đường phố thực chất là mặt sau của tòa nhà.

"Thật kỳ lạ, một tòa nhà không được biết đến ở mặt trước mà lại nổi tiếng vì mặt sau. Du khách ngạc nhiên trước những gì họ nhìn thấy từ con đường chính, tạo dáng trên con đường gần tòa nhà để chụp một bức ảnh tinh túy đại diện cho thành phố Jaipur. Rất ít người đi vào bên trong; nội thất rất đơn giản, chỉ những bộ óc tò mò mới hiểu rằng đằng sau mặt tiền đỏ rực có nhiều thứ đáng trải nghiệm hơn nữa", Sanjay Sharma, người đã hướng dẫn du khách qua Cung điện Hawa Mahal trong hơn hai thập kỷ cho biết.

Theo Tiến sĩ Mahendra Khadgawat, Giám đốc Cục Khảo cổ và Bảo tàng Bang Rajasthan, Vua Sawai Pratap Singh - là một tín đồ cuồng nhiệt của vị thần Hindu Krishna - đã ủy quyền cho kiến trúc sư Lal Chand Usta xây dựng kiến trúc giống như vương miện của thần Krishna. Và Cung điện gió Hawa Mahal là kết quả của ý tưởng này.

"Mục đích chính của tòa nhà là cho phép các quý cô trong hoàng gia có cơ hội tận hưởng khung cảnh đường phố và đám rước hàng ngày mà không bị ai phát hiện theo quy định hệ thống purdah - cụ thể phụ nữ Hoàng gia không được phép lộ mặt trước người lạ", ông Mahendra Khadgawat nói đề cập đến một tập quán xã hội ở Ấn Độ thời trung cổ, trong đó phụ nữ, đặc biệt là từ tầng lớp thượng lưu , được yêu cầu che thân và ẩn mình khỏi tầm nhìn của công chúng.

Kỹ thuật thông minh

Kiến trúc sư Kavita Jain, một chuyên gia bảo tồn di sản cho biết Cung điện Hawa Mahal cũng phục vụ các mục đích bổ sung.

"Đối với người dân thành phố, độ cao phía sau là một điều thú vị về mặt thị giác. Với bản thân nhà vua, một cấu trúc huyền thoại mà các thế hệ sẽ nhớ đến ông; với các quý cô hoàng gia, là một cách để kết nối với dân thường và các lễ kỷ niệm mà không cần xuất hiện trước công chúng," bà Kavita Jain nói.

Tuy nhiên, với những người am hiểu, các chuyên gia biết rằng đây là kỳ tích kỹ thuật thông minh, trong đó các yếu tố hấp dẫn về mặt thẩm mỹ đã được sử dụng để tạo ra "vi khí hậu" đủ thoải mái giúp các nữ hoàng tận hưởng trải nghiệm. Ngày nay, tòa nhà là một ví du điển hình ứng phó với biến đổi khí hậu trong các thiết kế lịch sử của Ấn Độ và cung cấp bằng chứng về sự hiểu biết nâng cao các định luật nhiệt động lực học. Trong tiếng Hindi, hawa có nghĩa là gió còn mahal có nghĩa là cung điện.

Kiến trúc sư Shyam Thakkar có trụ sở công ty tại thành phố Jaipur cho biết hướng của tòa nhà nằm trên trục đông-tây, phù hợp với hướng gió tự nhiên trong khu vực này.

"Gió thổi vào cung điện từ phía tây qua bãi đất trống, hút hơi ẩm từ vùng nước được đặt trong sân theo nguyên lý dòng đối lưu", ông Shyam Thakkar nhận định.

Tuy nhiên, điều đó chưa phải là tất cả. Ông Shyam Thakkar cho rằng gió mang theo hơi ẩm sau đó sẽ di chuyển về phía 953 cửa sổ (jharokha) và làm mát không khí nhờ hiệu ứng Venturi – không khí đi qua một lối đi bị hạn chế, làm tăng tốc độ gió trong khi giảm áp suất.

"Các lưới phức tạp (jaalis) trên cửa sổ được chia nhỏ và phân phối luồng không khí đồng đều để đảm bảo không có điểm nóng; nó cũng kiểm soát độ chói trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Sử dụng vôi (chuna) làm vật liệu lưới là bước phát triển cuối cùng. Chuna có thể điều chỉnh nhiệt độ vốn có," ông nói thêm.

Theo ông Shyam Thakkar, số lượng và kích thước của các lỗ thay đổi tùy theo tầng. Một số tầng có cửa sổ được che bằng kính màu, và một số chỉ mở cửa sổ. Tỷ lệ không gian mở còn lại trên mỗi tầng được điều chỉnh theo mùa sử dụng, phụ thuộc vào đông, xuân, hè và thu, khiến Hawa Mahal trở thành một tòa nhà rất thích ứng với khí hậu theo 4 mùa.

Lấy cảm hứng từ quá khứ

Thành phố Jaipur nóng và khô hầu như quanh năm. Trong những tháng mùa hè cao điểm, nhiệt độ có thể lên tới hơn 43 độ C (110 độ F.) Giờ đây, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới, với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, những tiện nghi từng là xa xỉ đã trở thành nhu cầu thiết yếu, trong đó có điều hòa không khí.

Theo dữ liệu của IEA cập nhật vào tháng 10 năm 2022, ước tính thế giới sẽ bổ sung thêm khoảng 1 tỷ máy điều hòa không khí trước cuối thập kỷ này. Điều này sẽ dẫn đến lượng khí thải carbon nhiều hơn. Với việc Ấn Độ chiếm 17,7% tổng dân số thế giới, tác động toàn cầu là không thể tránh khỏi. Đối mặt với nhu cầu cấp thiết về các tòa nhà bền vững hơn, xanh hơn, nhiều kiến trúc sư đang lấy những thước đo kỹ thuật trong kiến trúc xưa để làm cảm hứng cho những kiến trúc hiện đại.

"Chúng ta có thể rút ra một hoặc hai bài học từ kiến trúc truyền thống của Ấn Độ xưa, tạo ra môi trường thoải mái bằng cách khai thác tối đa ánh sáng mặt trời và gió. Là một kiến trúc sư có ý thức về khí hậu, tôi đã sử dụng mái vòm có hàng cột, tận dụng không khí từ hồ chứa nước trong một dự án gần đây cho một nhà hàng trong thành phố, giúp giảm đáng kể việc sử dụng điều hòa không khí cần thiết trong tòa nhà. Hoặc các dự án khách sạn, chúng tôi sử dụng vữa vôi, cùng với sân trong và các cửa sổ nhỏ. Kết quả là một tòa nhà tuyệt đẹp, mát mẻ ứng phó linh hoạt với khí hậu", ông Thakkar nhấn mạnh.

Để tận mắt trải nghiệm hiệu ứng làm mát của Cung điện gió Hawa Mahal, hãy đi vào bên trong Cung điện Thành phố Jaipur - nó nằm ở rìa của khuôn viên cung điện. Thời gian tốt nhất để chiêm ngưỡng ánh sáng vàng là lúc mặt trời mọc, nhưng cung điện chỉ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Kiến trúc sư Jain kết luận, trong khi các cấu trúc mới ngày nay có thể tiên tiến hơn về mặt công nghệ, thì các tòa nhà di sản như Cung điện gió Hawa Mahal vẫn được đánh giá là đáng kinh ngạc.

"Kiến trúc từ Cung điện gió Hawa Mahal được xem là vĩnh cửu. Tôi không thể tưởng tượng rằng 200 năm sau, mọi người vẫn nhớ đến Hawa Mahal như một biểu tượng của kiến trúc", bà Jain nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ