(Tổ Quốc) - Giữa trời mù sương giăng, hai lãnh đạo ngành Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế bắt tay nhau để cùng tìm cách trùng tu, gìn giữ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia – Hải Vân Quan.
Chiều 24/4, trên đỉnh Hải Vân Quan thuộc ranh giới thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng và Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị liên quan hai địa phương đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và trao đổi những nội dung liên quan đến phương án bảo vệ, phát huy giá trị Hải Vân Quan trong thời gian tới.
Đây được xem là “cuộc gặp lịch sử” bởi sau nhiều năm, đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo ngành Văn hóa và Thể thao của hai địa phương cùng nhau đứng ở đỉnh Hải Vân Quan để tìm cách trùng tu, gìn giữ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia – Hải Vân Quan.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng và ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cùng nhau đi khảo sát Hải Vân Quan giữa trời mù sương giăng, vui vẻ bắt tay nhau và cùng nhau thống nhất một số nội dung để thời gian tới triển khai phương án bảo vệ, trùng tu di tích này.
Lãnh đạo hai Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cùng đại diện các ngành chức năng khảo sát, đánh giá thực trạng và trao đổi những nội dung liên quan đến phương án bảo vệ, phát huy giá trị Hải Vân Quan trong thời gian tới. Ảnh: Đức Hoàng |
Hải Vân Quan tọa lạc trên núi Hải Vân. Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý có từ thời Lê, đặc biệt đến triều Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng đã cho tiến hành đặt quan, phái lính, đưa vũ khí đến trấn giữ và xây dựng Hải Vân Quan trở thành một trong những tổ hợp các công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế.
Di tích này chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự gắn liền với vương triều Nguyễn. Đồng thời, đây cũng là thắng cảnh nổi tiếng tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và miền Trung.
Với những giá trị và vai trò, tầm quan trọng của Hải Vân Quan, ngày 14/4/2017, công trình này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.
Hải Vân Quan là một cụm kiến trúc gồm 2 công trình chính là Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan và một số công trình phụ trợ. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, hiện nay nhiều hạng mục hai công trình chính đang bị hủy hoại và xuống cấp, biến dạng nghiêm trọng.
Ngoài ra, phía ngoài Hải Vân Quan, dọc theo tuyến Quốc lộ 1A là hệ thống hàng quán phục vụ du khách của cộng đồng dân cư địa phương chưa được tổ chức sắp xếp khoa học, đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Hiện Hải Vân Quan xuống cấp nghiêm trọng...Ảnh: Đức Hoàng |
Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và trao đổi những nội dung liên quan đến phương án bảo vệ, phát huy giá trị Hải Vân Quan trong thời gian tới, đại diện các cơ quan, đơn vị hai địa phương thống nhất một số nội dung báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Cụ thể: Tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích (đơn vị trực tiếp quản lý, phối hợp quản lý).
Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP Đà Nẵng giao trách nhiệm Sở VH&TT TT-Huế, Sở VH&TT Đà Nẵng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hải Vân Quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ưu tiên triển khai công tác nghiên cứu thăm dò và khai quật khảo cổ tất cả các hạng mục công trình, xác định nền móng, kiến trúc, mẫu thức trang trí…để tạo cơ sở khoa học và đảm bảo tính chân xác trong việc tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc gắn liền với di tích Hải Vân Quan.
Hàng năm, Hải Vân Quan có khoảng 20-30 vạn du khách đến tham quan, trong đó du khách nước ngoài chiếm 30-35%. Ảnh: Đức Hoàng |
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương về việc lập Quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch bền vững theo quy định của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ để định hướng tổ chức không gian, công trình kiến trúc xây dựng; hình thức kiến trúc, đề xuất các dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên các dự án thành phần và nguồn vốn đầu tư cho các dự án…
Tổ chức xin ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, giải tỏa loại bỏ các bộ phận hạng mục công trình không liên quan đến hiện trạng các yếu tố gốc của di tích; các vọng gác phía trên cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan; các lô cốt xung quanh; nền móng các công trình xây dựng dân sinh đã bị phá vỡ…
UBND huyện Phú Lộc và UBND quận Liên Chiểu phối hợp xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để chấn chỉnh việc buôn bán, kinh doanh của cộng đồng dân cư địa phương và tổ chức vệ sinh, bảo vệ môi trường, cảnh quan xung quanh, hạn chế việc tác động làm ảnh hưởng đến các yếu tố gốc gắn liền với di tích Hải Vân Quan.
Ông Huỳnh Văn Hùng và ông Phan Tiến Dũng bắt tay nhau và cùng nhau thống nhất một số nội dung để thời gian tới triển khai phương án bảo vệ, trùng tu di tích này. Ảnh: Đức Hoàng |
Ông Phan Tiến Dũng cho biết, ngoài những vấn đề trên, hai Sở cũng đã thống nhất ngày tổ chức công bố đón nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Hải Vân Quan, dự kiến khoảng ngày 23-24/5 sẽ tổ chức.
“Đây là nơi tập trung rất đông du khách, là mốc quan trọng nối dịch vụ du lịch giữa hai vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Chính điều đó đặt ra vai trò của người dân, quản lý và khai thác ở đây là rất lớn và trách nhiệm của các cơ quan phải có những giải pháp căn cơ để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan và đặc biệt là an ninh trật tự.
Nơi đây có khoảng 20-30 vạn du khách đến tham quan hàng năm, trong đó du khách nước ngoài chiếm 30-35%. Vì thế, địa danh này rất quan trọng và thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương”, ông Dũng cho biết.
Đại diện ngành chức năng hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế khảo sát trên Hải Vân Quan vào chiều 24/4. Ảnh: Đức Hoàng |
Còn ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là hai địa phương láng giếng, cách nhau chỉ một con đèo (đèo Hải Vân - PV), ở hai vùng văn hóa khác nhau.
“Bây giờ chúng tôi đang đi tìm điểm chung thì đây là điểm chung rất lý tưởng (Hải Vân Quan - PV) kết nối giữa hai địa phương. Hải Vân Quan được công nhận di tích Quốc gia là biểu tượng tình đoàn kết giữa hai địa phương, cụ thể là hai ngành Văn hóa và Thể thao của tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Điều quan tâm của chúng tôi là làm sao nơi đây sẽ trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách”, ông Hùng chia sẻ.
Đức Hoàng