(Tổ Quốc) - Trải qua hơn 10 năm, những công dân đầu tiên đã được sinh ra trên đảo. Cồn Cỏ nay dần trở mình, đón chào cuộc sống mới.
Là những thanh niên nhiệt huyết xung phong ra xây dựng đảo những ngày đầu, vì cùng yêu mến đảo Cồn Cỏ mà không ít người đã nên duyên vợ chồng và quyết định chọn đây làm quê hương thứ hai của mình.
Những cư dân đầu tiên của đảo
Từ Cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi theo tàu cao tốc ra thăm đảo Cồn Cỏ. Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ là hòn đảo nhỏ có diện tích khoảng 2,3km2, nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý. Với vị trí địa lý đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ là tiền đồn của miền Bắc từng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt quân sự, giữ vững chủ quyền biển đảo, Cồn Cỏ hôm nay cũng đang ngày càng phát triển về kinh tế, du lịch, xứng đáng là hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc.
Cồn Cỏ chính thức trở thành huyện đảo của tỉnh Quảng Trị theo Nghị định 174/2004/NĐ-CP từ ngày 1/10/2014 và chính thức chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự từ ngày 18/4/2005. Thế nhưng từ năm 2002 đã có 43 thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị tình nguyện ra đây xây dựng đảo theo mô hình “Đảo thanh niên”.
Những bước chân tình nguyện của lớp thanh niên này đã đặt những dấu mốc đầu tiên trong việc xây dựng Cồn Cỏ trở thành địa bàn có kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng an ninh vững chắc.
Nhờ nghề đánh bắt hải sản, người dân ở đào Cồn Cỏ dần ổn định cuộc sống từ ngày ra đây định cư. |
Trong chuyến ra thăm Cồn Cỏ lần này, chúng tôi có cơ hội gặp và trò chuyện với những người thuộc lứa thanh niên xung phong đầu tiên ra xây dựng đảo ngày ấy. Họ chủ yếu là người dân của hai xã Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh ra đây lập nghiệp.
Từ cuộc sống lao động khó khăn vất vả ngày đầu xây dựng đảo, vì cảm mến nhau mà nhiều đôi đã nên vợ nên chồng rồi quyết định cùng nhau định cư lâu dài tại Cồn Cỏ. Đó là những cặp vợ chồng như: Phong – Nhung, Nga – Vĩnh, Hiền – Ái, Lịch – Thủy, Diệu – Nhân,...
Chúng tôi gặp vợ chồng anh Hồ Văn Lịch và chị Hoàng Thị Thủy trong ngôi nhà nhỏ của mình, hai người đều là TNXP ra đảo chuyến đầu tiên. Anh Lịch hiện đang làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản còn chị Thủy ở nhà buôn bán nhỏ.
Kể về cơ duyên ra định cư lập nghiệp ở đảo, hai anh chị vẫn nhớ như in những khó khăn thời gian đầu.
“Thời đó Cồn Cỏ còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Thiếu điện, thiếu nước ngọt, thiếu cả phương tiện liên lạc,.. cuộc sống còn khó khăn lắm. Cả hai vợ chồng ngày đó đều trẻ, còn chưa quen biết nhau. Nghe tiếng gọi lên đường xây dựng đảo đều hăng hái xung phong tình nguyện ra đảo. Thế rồi từ trong khó khăn, cùng yêu đảo mà cảm mến nhau mà nên duyên vợ chồng”, anh Lịch chia sẻ.
Một người dân đảo Cồn Cỏ đang đánh bắt hải sản ở gần bờ. |
Được biết, anh Lịch - chị Thủy hiện đã có hai con, cháu lớn học lớp 6, còn cháu nhỏ vừa tròn 3 tuổi. Vì trên đảo chỉ có trường mẫu giáo nên cháu nhỏ đang ở với anh chị, còn cháu lớn cũng như nhiều cháu khi bước vào lớp 1 đều vào đất liền ở với họ hàng để theo học. Cứ vài tháng, hai anh chị lại vào đất liền thăm con một lần.
Xây dựng Cồn Cỏ ngày càng phát triển
Anh Hà Tiến Nam, Phó Bí thư huyện Đoàn Cồn Cỏ cho biết, ở Cồn Cỏ trước năm 1959 chưa có người, trước năm 2000 chưa có dân chỉ có bộ đội làm nhiệm vụ quân sự. Tính đến nay, cơ sở hạ tầng, bộ mặt kinh tế xã hội của đảo Cồn Cỏ đã có nhiều sự thay đổi tích cực.
“Từ ngày có những hộ đầu tiên đến sinh sống, đã có hơn 20 cháu được sinh ra trên hòn đảo xinh đẹp này. Dân số của đảo hiện gần 400 người, trong đó chủ yếu là lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo. Cồn Cỏ đã xây dựng được cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quốc phòng. Với bất cứ ai đang sinh sống trên Cồn Cỏ đều xem hòn đảo này như nhà của mình”, anh Nam cho hay.
So với ngày đầu, cơ sở vật chất, giao thông ở đảo cũng thuận lợi hơn nhờ con đường trải nhựa dài đúng 5km chạy vòng quanh đảo. |
Tuy cuộc sống của người dân trên đảo hiện còn nhiều khó khăn thường trực, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết xây dựng mà đảo Cồn Cỏ nay cũng đã có nhiều sự đổi khác. Điều dễ dàng nhận thấy là đời sống của người dân đã được cải thiện nhiều so với những ngày đầu. Giao thông ở đảo cũng thuận lợi hơn nhờ con đường trải nhựa dài đúng 5km chạy vòng quanh đảo.
Đảo cũng có trạm điện chạy dầu diesel, tuy nguồn điện chưa ổn định, chi phí cao, mỗi ngày cấp điện từ 8 đến 15 tiếng đồng hồ nhưng vẫn tạm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của người dân.
Vấn đề thiết yếu nhất là nước ngọt đã được giải quyết với hệ thống giếng bơm trải đều. Giữa trung tâm huyện có hồ chứa nước ngọt, vừa chứa nguồn nước dự trữ vừa tạo cảnh quan môi trường.
Đáng mừng hơn khi vừa qua, tàu cao tốc và sắp tới đây là tàu sắt chở khách công suất lớn dự kiến được đưa vào hoạt động phục vụ tour du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân ở đảo và đất liền.
Chị Hoàng Thị Thủy, cư dân đảo Cồn Cỏ phấn khởi: “Trước thông tin huyện sẽ cho xây dựng tour cho du khách ra tham quan đảo, người dân chúng tôi rất vui mừng. Đây là cơ hội để người dân Cồn Cỏ giới thiệu với mọi người về hòn đảo còn hoang sơ này, cũng là điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo có thể phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội của mình”.
Giữa trung tâm huyện đảo Cồn Cỏ có hồ chứa nước ngọt, vừa dự trữ nước vừa tạo cảnh quan môi trường. |
Nhằm tăng cường lực lượng lao động cho đảo Cồn Cỏ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, được biết trong tháng 5 này, 7 hộ gia đình với 21 nhân khẩu sẽ được đưa ra định cư lâu dài tại đây.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tuyển chọn các hộ dân này từ thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Thạch và Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh).
Về nghề nghiệp, các hộ chủ yếu có chồng làm nghề biển như đánh cá, lái tàu, vợ làm nội trợ, buôn bán nhỏ. 6 hộ có con nhỏ từ 1-8 tuổi.
Theo quy định, mỗi gia đình được cấp một ngôi nhà rộng 42 m2 trên nền đất 200 m2, hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng, kèm sinh hoạt phí, giống vật nuôi, được vay 100 triệu đồng không thế chấp…
Tất cả các hộ này đều an tâm và có kế hoạch, phương hướng xác định nghề nghiệp cụ thể, sẽ tổ chức sinh sống, định cư lâu dài tại huyện đảo Cồn Cỏ.
Thế Trung - Đức Hoàng