(Tổ Quốc) - Trong khi nhiều người dân đã được về quê đón tết cùng gia đình thì tại xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội), nhiều bệnh nhân đã quen với cái tết xa nhà, xa người thân.
Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị từ nhiều năm nay vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc "xóm chạy thận". Nơi đây là mái nhà của 129 bệnh nhân đang hàng ngày chống chọi với căn bệnh suy thận.
Những ngày sát tết, cuộc sống ở đây vẫn không có gì thay đổi. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.
Khu xóm hiện có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Vì chi phí cho thuốc men chữa trị cao nên các bệnh nhân họ chọn cho mình một nơi ở với giá tiền rẻ nhất để tiết kiệm, bù đắp cho chi phí chữa bệnh. Đó là những căn phòng trọ được lợp mái tôn, ẩm thấp có diện tích chưa đến 8m2, mức giá 1.500.000 đồng/tháng chưa kể chi phí điện, nước.
Bà Dương Thị Hoài (sinh năm 1955, quê Vụ Bản, Nam Định) bắt đầu chạy thận từ năm 2009. Tròn 10 năm nhà trọ này trở thành ngôi nhà thứ hai của bà. Cứ mỗi năm đến tết muốn về cũng không thể vì sức khỏe , một phần cũng vì nghèo khó. "Mọi năm có 2 vợ chồng chăm nhau cũng đỡ tủi thân, sau khi ông mất sớm vì ung thư, chỉ có bà lủi thủi một mình, buồn mà không biết làm thế nào"- bà Hoài nói.
Ông Mai Anh Tuấn, 43 tuổi, quê ở Ba Vì (Hà Nội), là người có thâm niên chạy thận suốt 23 năm tại Bệnh viện Bạch Mai được mọi người gọi là xóm trưởng cho biết, vì thời tiết thuận lợi nên chỉ có 48 người đăng ký ở lại Hà Nội đón tết, những người còn lại sẽ thu xếp về từ chiều 30 và lên sớm để kịp lịch chạy thận...
Bữa cơm ngày tết của người chạy thận cũng không có thay đổi gì nhiều, vẫn bữa cơm rau đạm bạc, ít muối, uống ít nước vì người chạy thận dễ bị phù khi bài tiết nước; hoa quả, những món nhiều đạm cũng được hạn chế tối đa để tránh tụ kali trong người.
Đa số bệnh nhân ở đâu đều sống một mình, nên việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân là tất yếu, mỗi người đều phải có một bộ đo huyết áp để kiểm tra hàng ngày nếu cơ thể có dấu hiệu bất thường.
Anh Hoàng Văn Tuấn (sinh năm 1974 quê Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Đình) chỉ vào vết sẹo do truyền lọc máu của mình. cuộc sống của bệnh nhân chạy thận tuy thiếu thốn, đơn độc nhưng cũng đã gắn bó với anh hơn 17 năm nay.
Vài năm trở lại đây, cuộc sống của những người trong xóm chạy thận bớt khó khăn hơn, do khoa thận của bệnh viện Bạch Mai hoạt động cả những ngày tết để phục vụ bệnh nhân. Một phần nữa do truyền thông báo chí, các đơn vị hảo tâm đến giúp đỡ nên các bệnh nhân có cuộc sống tinh thần tốt hơn, không bị xã hội kì thị như trước nữa.
Kiếm sống bằng nghề xe ôm truyền thống, trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao không chuyển qua chạy Grab để có thu nhập ổn định hơn, anh Tuấn nói: " Nhiều lúc cũng muốn chuyển sang chạy Grab nhưng vì người suy thận thận sức khỏe không ổn định, không đi làm đều được, làm xe ôm bình thường để hôm nào mình mệt hoặc vào viện lọc máu thì muốn nghỉ lúc nào cũng được"
Những ngày 28, 29 tết, anh Tuấn vẫn cố gắng đi làm để có thêm thu nhập.
Năm nay, anh sẽ thu xếp về thăm vợ con trong 2 ngày để kịp lịch chạy thận vào mùng 2 tết.
Cây đào duy nhất trong xóm trọ do các bạn sinh viên ĐH Y tặng để xóm trọ có thêm không khí xuân, phần nào nguôi đi nỗi nhớ nhà của những bệnh nhân đón giao thừa xa quê hương.