(Tổ Quốc) - Trong phần xét hỏi sáng 30/8, cựu thư ký của Hà Văn Thắm là Hoàng Thị Hồng Tứ khóc nức nở và kêu “thần kinh yếu nên hay bị xúc động, căng thẳng”.
Khi Chủ tọa đặt câu hỏi đối với cựu thư ký của Hà Văn Thắm về việc kể từ khi làm Chủ tịch HĐQT của Công ty BSC thì có tham gia làm việc gì tại Công ty này không? Hoàng Thị Hồng Tứ đã bật khóc nức nở và kêu thần kinh yếu nên hay bị xúc động, căng thẳng…
Cựu thư ký của Hà Văn Thắm khóc nức nở tại Tòa |
Theo cáo buộc, từ 22/5/2009 đến 31/1/2012, BSC đã ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để thu phí được tổng số tiền gần 69 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ với tư cách Chủ tịch HĐQT BSC Việt Nam đã ký 98 hợp đồng dịch vụ, thu số tiền hơn 14 tỷ đồng. Các hợp đồng này được khách hàng ký trước và trên đó ghi Tứ là người đại diện công ty.
Ngoài ra, bà Tứ đã ba lần nhận tổng số hơn 6,6 tỷ đồng của BSC theo chỉ đạo của Lê Thị Minh Nguyệt (phó tổng giám đốc OceanBank) để chuyển cho cựu Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn.
Trước tòa, bà Tứ khai vào OceanBank làm từ tháng 9/2007 với công việc của thư ký HĐQT. Tháng 8/2012, bà được ông Thắm nhờ đứng tên làm chủ tịch HĐQT Công ty BSC trong thời gian chờ người thay thế.
Khai có ký xác nhận 97 hợp đồng với giá trị trên 13 tỷ đồng, song bị cáo Tứ nói việc "ký chỉ là thủ tục, cho đủ thành phần".
Cũng theo lời khai, bà Tứ không làm gì trong suốt thời gian đứng tên chủ tịch HĐQT BSC, không nhận lương hay góp vốn. Việc ký gần 100 hợp đồng, bà thực hiện nhiều lần, nội dung cũng không nắm được. "Do tin tưởng người của BSC hiểu biết về luật nên tôi cứ ký thôi”, bị cáo khai.
Thời gian đương chức, bà Tứ được cấp trên là Lê Minh Nguyệt (phó ban kiểm soát OceanBank) ba lần nhờ mang tiền đến cho ông Sơn, tổng cộng 2,8 tỷ đồng và 200.000 USD. Tiền được để trong các túi màu đen, mang tới phòng làm việc và đều có phiếu chi thể hiện đưa cho ông Sơn.
Bà Tứ khai không biết đó là tiền gì, "cũng có thắc mắc các sếp có nợ nần gì nhau không".
Khai báo về nội dung này, Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank) cho hay ông chủ trương thành lập Công ty BSC từ đầu 2008. Suốt năm đó công ty này chưa hoạt động nên ông nhờ thư ký của mình là Hoàng Thị Hồng Tứ đứng tên. Tới tháng 4/2009, BSC bắt đầu hoạt động với các dịch vụ tín dụng.
"Bị cáo làm việc ở Oceanbank, khi đi vay tiền ngân hàng khác phải có công ty làm dịch vụ trung gian cho các hoạt động tín dụng về kinh doanh bất động sản, thẩm định giá", Thắm trình bày.
Theo cựu Chủ tịch Oceanbank, những tổ chức cá nhân vay tiền nếu gặp khiếm khuyết gì về thủ tục sẽ qua BSC làm cho chặt chẽ hơn.
HĐXX chất vấn khoản vay 500 tỷ của Trung Dung sao không đưa BSC vào, bị cáo nhận thức được các khiếm khuyết không?. Thắm trả lời: "Bị cáo nhận thức nếu đưa BSC vào cũng không khắc phục được những khiếm khuyết đó".
Bị cáo Thắm bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét về các khoản thu phí của BSC bởi trong 700 khách hàng của công ty có nhiều người là bạn bè của mình và ông không thấy họ có ý kiến gì về các khoản thu.
Thắm cho rằng ở vị trí của mình, nếu muốn thu 70 tỷ đồng chỉ cần một đến hai khách hàng lớn. "Tôi cho ông vay 500-700 tỷ, ông trích lại cho tôi 50-70 tỷ là xong ngay, không cần phiền ai cả, không cần làm mấy trăm hợp đồng tốn chi phí. Trong cáo trạng có nêu Công ty BSC thu về 69 tỷ, tuy nhiên không phải thu hết chỗ đó mà còn phải chi thuế nữa", bị cáo Hà Văn Thắm phân trần./.
Hà Giang (T/h)