(Tổ Quốc) - Ông Michael Parmly, Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba, từ 2005 đến 2008, dưới thời Tổng thống George W. Bush (Tổng thống thứ 43 của Mỹ, tại nhiệm từ 2001 – 2009), mới đây đã trả lời phỏng vấn của nhà sử học Pháp Salim Lamrani về một số vấn đề liên quan đến quan hệ Mỹ-Cuba.
Bài trả lời phỏng vấn được đăng trên chuyên san Études caribéennes (Nghiên cứu Caribe) bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
Dưới đây xin trích dịch một số đoạn trong bài trả lời phỏng vấn đó (theo bản tiếng Tây Ban Nha).
Ông Michael Parmly đến nhận nhiệm vụ Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Havana (Head of the U.S. Interests Section -USINT- in Havana) vào tháng 9 năm 2005. Tại đây, mọi người đều gọi ông là "ngài Đại sứ", nhưng Michael Parmly cho biết: ông có quyền hạn tương đương song không mang chức danh Đại sứ bởi vì Thượng Viện không chính thức bổ nhiệm mà chỉ có Tổng thống cử ông làm người đứng đầu Phòng quyền lợi Mỹ ở Cuba theo thẩm quyền hành pháp.
PV: Trong thời gian làm việc ở Cuba, ông có phải lo ngại về an ninh của bản thân mình không?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Không, thực sự là không. Chỉ có một lần, nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là ngày 13 tháng 8 năm 2006. Trước đó, vào ngày 31 tháng 7 năm 2006, Fidel Castro thông báo rằng ông sẽ từ chức sau khi bị bệnh (trên thực tế, vào thời điểm này trước khi vào bệnh viện, Fidel chỉ đưa ra tuyên cáo giao lại việc điều hành đất nước cho Bí thư thứ hai ĐCS, Phó CT thứ nhất HĐNN và HĐBT Cuba, Raul Castro chứ chưa tuyên bố từ chức-ND). Ngày 13/8 là sinh nhật của Fidel và tối hôm đó Cuba tổ chức hoạt động rầm rộ ở khu vực trước Phòng quyền lợi Mỹ để bày tỏ lòng trung thành với nhà lãnh đạo.Tôi muốn biết người dân Cuba thực sự nhiệt tình đối với Fidel như thế nào. Vì vậy, tôi vận thường phục và đi ra đó, chủ yếu để lắng nghe người ta nói gì hơn là nghe nhạc. Khoảng 15 phút sau khi tôi đến, một nữ nhà báo Hà Lan đã nhìn thấy và bảo người trợ lý quay phim tôi. Đột nhiên, một nhóm đông các phóng viên nhiếp ảnh và những người có mặt gần đó vây lấy tôi và lúc ấy tôi cảm thấy không an toàn cho lắm. Tuy nhiên, tôi biết rằng có những nhân viên an ninh Cuba theo dõi những gì tôi đang làm, họ biết tôi đang ở đâu và tôi đang nói chuyện với ai. Những nhân viên an ninh mặc áo guayabera 4 túi, tay cầm bộ đàm, tiến lại gần tôi, bình tĩnh đẩy những người xung quanh sang một bên và hỏi tôi một cách rất lịch sự: "Thưa ngài, ngài có muốn chúng tôi tháp tùng ra xe không?" Chắc không ai làm hại tôi, nhưng trước hiện tượng một đám đông có thể gây rắc rối, tôi đồng ý để được hộ tống ra xe của mình.
PV: Quan điểm của ông về xã hội Cuba mà ông quan sát được là gì? Theo ông, đâu là những mặt tích cực và đâu là những điểm tiêu cực ?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Người Cuba rất thoải mái và tôi rất thích điều đó. Họ luôn nói với tôi những gì họ nghĩ. Nhiều khi người ta nói rằng ở đó là một nhà nước toàn trị, nhưng tôi nhận thấy người dân Cuba khá thoải mái, họ nghĩ sao nói vậy. Người Cuba dù trẻ hay già, nghèo hay giàu, tất cả đều có một nền tảng văn hóa khá tốt. Họ tự hào có trình độ hiểu biết về nghệ thuật, âm nhạc, văn học.
PV: Ông nghĩ thế nào về mức sống của người Cuba?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Làm người Cuba ngày nay thật khó. "Thời kỳ Đặc biệt" còn chưa là gì so với thời kỳ hiện tại. Nước Mỹ chúng tôi, có một phần trách nhiệm về tình trạng này. Nhưng chúng tôi không phải là những người duy nhất chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Cuba đang đi đúng hướng khi để người dân phát triển kinh tế theo cách của họ. Raúl Castro đã mở đường khi ban đầu ông cho phép tư nhân được hành nghề ở mười bốn hạng mục kinh doanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sự kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế đã hạn chế sự chủ động của cá nhân.
PV: Đối với dư luận nói chung, cuộc xung đột Cuba-Mỹ còn tồn tại đến nay, 30 năm sau khi Liên Xô tan rã, là rất khó hiểu, theo ông, lý do thực sự của cuộc tranh chấp kéo dài sáu thập kỷ qua là gì?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Tôi xin nêu ý kiến của mình, với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách của nhà ngoại giao trước đây. Ngay từ thời kỳ đầu lịch sử của Hoa Kỳ, tức là từ cuối thế kỷ 18, đã có những người Mỹ muốn thống trị hòn đảo và biến Cuba trở thành một bang của Hợp chúng quốc. Người dân miền Nam của Mỹ muốn Cuba trở thành một bang nô lệ. John Quincy Adamas, người sau này trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, đã đưa ra lý thuyết "trái cây chín" vào năm 1823 và dự đoán rằng Cuba sẽ rơi vào chiếc túi của Mỹ. Lẽ nào ai đó có thể nói với người khác rằng đất nước của bạn chẳng có giá trị gì và sẽ bị thôn tính?
Người Cuba, vốn có ý thức tự tôn dân tộc, đã từ chối phục tùng. Vẫn có những người Mỹ nghĩ rằng Cuba phải phục tùng ý chí của Mỹ, nhưng đa số người dân Cuba không nghĩ thế. Có một số người Cuba sẵn sàng phục tùng ý chí của Mỹ, nhưng số đó rất ít. Điểm đặc trưng của người Cuba là niềm tự hào và tính cách mạnh mẽ. Đáng tiếc là ở một số người Mỹ vẫn còn có tâm lý muốn khuất phục Cuba.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về các lệnh trừng phạt đối với Cuba dưới thời chính quyền Bush?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Các lệnh trừng phạt năm 2004 rất mạnh mẽ và được giải thích bởi bối cảnh chính trị của Mỹ. Khi đó có một cuộc bầu cử Tổng thống. Những phần tử cứng rắn trong Đảng Cộng hòa đã tuyên bố rằng nếu Bush muốn giành lại Florida thì phải áp dụng một đạo luật khắc nghiệt đối với Cuba. Chính sách của Mỹ sau đó trở nên quyết liệt hơn. Tôi đã không may mắn đến Cuba vài tháng sau khi các biện pháp đó được áp dụng.
PV: Năm 2014, Tổng thống Obama, tiếp bước James Carter, quyết định tiến hành đối thoại với Cuba, dẫn đến nhiều tiến bộ. Ông có thể giải thích lý do tại sao phải mất nhiều thời gian như thế để đi tới việc xích lại gần nhau không?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Obama vào Nhà Trắng với một tư duy khác về Cuba, cũng như Jimmy Carter, người từng muốn thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Carter nhậm chức vào ngày 20-1-1977, và quyết định mở Phòng quyền lợi Mỹ tại Havana cùng năm đó, việc này xác lập sự hiện diện chính thức của Mỹ tại Cuba. Ý tưởng là sau đó sẽ chuyển cơ quan này thành Đại sứ quán. Điều đó đã không thể thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau.
Obama lên và quyết định thiết lập lại quan hệ ngoại giao, trong sự thỏa thuận với Cuba năm 2016. Obama tin rằng chính sách của Mỹ đối với Cuba là một sai lầm và ông muốn thay đổi điều đó.
PV: Ngược lại, ông Trump đã chọn cách thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Cuba và quay trở lại cách tiếp cận thù địch hơn. Ý kiến của ông về nhiệm kỳ của Donald Trump, đặc biệt là về quan điểm của Trump đối với Cuba?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Thú thực là tôi chưa bao giờ thích Donald Trump. Tôi đã làm việc và ủng hộ chiến dịch của Joe Biden để đưa Trump ra khỏi Nhà Trắng. Cựu Tổng thống Trump đã luôn nói kiểu tiền hậu bất nhất (nói bằng cả hai bên miệng của mình, speaks out of both sides of his mouth, như trong một thành ngữ tiếng Anh). Dù sao, tôi không có thẩm quyền để phán xét về ông ấy vì chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau.
PV: Ông nghĩ gì về tình hình quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Cuba? Cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden đối với hòn đảo như thế nào?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Tổng thống Biden tuyên bố sẽ sửa chữa những sai lầm của cựu Tổng thống Trump và đó là một trong những lý do tôi ủng hộ ông ấy. Tôi nghĩ Biden sẽ làm việc đó. Ông ấy có một sự nhạy cảm nhất định và sẽ không đưa ra những quyết định mà Cuba không chấp nhận. Tôi nghĩ Biden quan tâm đến người dân Cuba và đây là điều ông đã tuyên bố nhiều lần. Nhưng Biden cũng biết rằng mình không phải là người có quyền tuyệt đối. Tại Thượng viện Mỹ có sự cân bằng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Tổng thống sẽ thay đổi tình trạng quan hệ với Cuba, nhưng sẽ hành động thận trọng, từng bước một. Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi triệt để của nền chính trị Mỹ trong ngày một ngày hai.
PV: Mỹ tuyên bố rằng vấn đề ưu tiên ở Cuba là dân chủ và nhân quyền. Quan điểm của ông ra sao?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Theo tôi, vấn đề này ở Cuba đang chuyển biến và chính phủ hiện tại đang có những thay đổi. Dù sao, Cuba cũng không hành động vì Mỹ kề dao vào cổ họ. Cuba sẽ hành động nếu tự mình quyết định và cho rằng điều đó tốt cho đất nước. Và nếu Mỹ chỉ trích chính sách của Cuba về nhân quyền, thì Cuba cũng có quyền chỉ trích Mỹ. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra ngày 6 tháng 1 năm 2021 ở Washington. Với cuộc tấn công vào Điện Capitol, Mỹ cũng không hoàn hảo trong vấn đề này. Có thể nhắc tới vụ George Floyd và từ câu chuyện này, Mỹ không có gì để khoe nhiều về nhân quyền.
PV: Ông có nghĩ rằng một ngày nào đó Mỹ sẽ chấm dứt chính sách thù địch đối với Cuba?
Cựu Trưởng Phòng quyền lợi Mỹ tại Cuba Michael Parmly: Như những gì tôi biết về người Mỹ, tôi e rằng điều đó đòi hỏi thời gian. Người dân Cuba không thù địch với Mỹ. Hầu hết người Mỹ không thù địch với Cuba. Nhưng có một số ít người Mỹ, vì nhiều lý do, có thái độ thù địch với Cuba. Điều đó sẽ kéo dài…và như người Cuba hay nói: "phức tạp đấy."