• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đã hơn 100 người dân chết, mất tích: Khẩn thiết phải quy được trách nhiệm người “lệnh” chặt phá rừng bừa bãi

Thời sự 16/10/2017 17:21

(Tổ Quốc) - Mưa bão vừa qua là lời cảnh tỉnh cho con người khi đối xử với thiên nhiên, nhưng chúng ta cũng cần công bằng với hơn 100 người dân vô tội chết, mất tích sau các trận mưa, lũ, sạt lở vừa qua... nếu các cấp các ngành, đặc biệt các cơ quan pháp luật truy tìm và quy được trách nhiệm đối với những người đã dám cho chặt phá rừng bừa bãi thì thực sự mới an lòng.

Những ngày qua, hình ảnh thiên tai bão lũ, sạt lở đầy thương tâm, xót xa, ám ảnh đã khiến chúng ta phải lặng người... 

Đó là hình ảnh thi thể người mẹ ôm chặt người con trai nhỏ chỉ hơn 3 tháng tuổi được tìm thấy trong vụ sạt lở ở Hòa Bình. Không cần đến một tấm ảnh cận cảnh để chứng minh. Chỉ cần bằng cảm nhận, chỉ cần những dòng chữ cũng đủ cứa vào trái tim chúng ta một nỗi đau tột cùng.

Đó là hình ảnh hàng nghìn con lợn không kịp chạy lũ, chết như ngả rạ, nổi trắng phềnh bên dòng nước lũ trong cái nhìn bất lực, tiếc đứt ruột của người chăn nuôi. Không đau xót sao được khi bao công sức bỏ ra mà chỉ trong phút chốc trôi theo dòng nước vô định.

Đó là hình ảnh một phóng viên trẻ dám dấn thân để có được những hình ảnh chân thực, kịp thời, phản ánh về bão lũ đã phải bỏ lại tuổi trẻ, cuộc sống và biết bao mơ ước của mình.  

Ảnh minh họa. Nam Nguyễn

 

Đó là hình ảnh hàng trăm nghìn gia đình bị dòng nước bao vây tứ bề. Vẫn là ngôi nhà của mình – một vùng trời yên bình ấm áp nhỏ bé, nơi lưu giữ bao nhiêu vui buồn đời người bỗng lạnh lẽo trong biển nước. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn vất vả là vậy nhưng còn bị đảo lộn mỗi khi thiên tai ập xuống. Đứng trước thiên nhiên bao la, con người và chỉ là hạt cát của vũ trụ. Chỉ cần mẹ thiên nhiên nổi giận là mọi thứ dễ dàng bị xóa sổ. Thiên tai, lũ lụt có thể biến một người từ có đến không, từ đầy đủ đến trắng tay. Từ một gia đình êm ấm phải chịu cảnh mất mát chia lìa, từ một người có nhà cửa thành kẻ màn trời chiếu đất.

Với tinh thần tương ái tương ái, lá lành đùm lá rách, những ngày này người dân cả nước cùng hướng về nơi thiên tai vừa đi qua để khắc phục phần nào hậu quả nặng nề. Sự chung tay chia sẻ nỗi đau thương mất mát của cộng đồng thật đáng quý, đáng trân trọng. Và nếu không có sự chung tay này hẳn sẽ có nhiều cảnh đời thêm đói khổ, cùng cực, thậm chí ngã quỵ sau những thảm họa của thiên tai.

Nhưng có những thứ tiền bạc không thể bù đắp và lấy lại sự mất mát con người như chưa hề có cơn bão lũ nào đi qua.

Nếu có ai đó đổ lỗi thiên tai là tại “ông trời” để nói về sự bất  lực và vô can của con người. Nhưng bình tĩnh nhìn và suy xét lại thì sự nổi giận của mẹ thiên nhiên có những tác động nhất định từ con người. Đó là sự tích tụ và cộng gộp lại từ nơi này đến nơi khác, từ ngày này qua ngày khác về những gì con người đã bạc đãi với thiên nhiên.

Một phần của Hà Nội những ngày giữa tháng 10/2017. Ảnh: Nam Nguyễn

 

Chặt phá rừng bữa bãi, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, xả thải… đều do con người, vì mưu sinh, vì cái lợi trước mắt mà làm tổn hại tới thiên nhiên, phá vỡ sự ổn định cũng như quy luật "mưa thuận gió hòa" của thiên nhiên. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” là cái giá phải trả cho những gì chúng ta hủy hoại thiên nhiên. Nó giống như nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác. Những gì chúng ta nhận được trước mắt chỉ rất nhỏ nhưng hậu quả về sau – cái giá phải trả đắt hơn rất nhiều lần so với cái lợi.

Elon Musk từng nói: "Biến đổi khí hậu sẽ tàn phá chúng ta nhiều hơn tất cả những cuộc chiến trong lịch sử gộp lại" như một lời cảnh báo đáng suy ngẫm. Những cuộc chiến trong lịch sử dù bên thắng trận hay thua thì sự tàn phá đã dai dẳng và có lúc vượt sức chịu đựng của con người. Vậy mà, sức tàn phá của biến đổi khí hậu còn nặng nề hơn những cuộc chiến thì thật đáng sợ. Nếu chúng ta không dừng lại việc tàn phá môi trường thì hậu quả khôn lường sẽ xảy ra không từ một ai.

Người đứng đầu Chính phủ sáng 14/10 đã phải nhấn mạnh: “cây gỗ” chứ không phải “cây kim” mà để xảy ra phá rừng, Thủ tướng chỉ đạo: không có vùng cấm trong xử lý vi phạm pháp luật về rừng. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần thảo luận về giải pháp để giúp nâng cao đời sống người dân sống bằng nghề rừng, qua đó người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng; giải pháp quản lý việc di dân tự do để hạn chế phá rừng, nhất là khu vực Tây Nguyên.

Người đứng đầu Chính phủ đã quyết liệt, vì thế, trong mỗi gia đình, chúng ta thường làm và dành những gì tốt đẹp nhất cho con cháu, bởi đó là sự đầu tư và để dành cho tương lai. Và giữ gìn thiên nhiên, có trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường từ hôm nay cũng là một cách “để dành” cho tương lai.

Mưa bão vừa qua là lời cảnh tỉnh cho con người khi đối xử với thiên nhiên, nhưng chúng ta cũng cần công bằng với hơn 100 người dân vô tội chết, mất tích sau các trận mưa, lũ, sạt lở vừa qua... nếu các cấp các ngành, đặc biệt các cơ quan pháp luật truy tìm và quy được trách nhiệm đối với những người đã dám cho chặt phá rừng bừa bãi thì thực sự mới an lòng.





Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ