• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng xin “chuộc” lại Sân vận động Chi Lăng với 1.251 tỷ đồng

Thời sự 28/11/2018 14:46

(Tổ Quốc) - Chính quyền Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành phố trả nợ với số tiền 1.251 tỷ đồng để “chuộc” lại Sân vận động Chi Lăng.

Ngày 28/11, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết UBND TP Đà Nẵng vừa có Công văn số 9227/UBND-STP gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, phần liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu phức hợp Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án

Theo nội dung Công văn, ngày 26/4/2018 Cục Thi hành án dân sự TP HCM ban hành Quyết định số 310/QĐ-CTHADS ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thi hành án đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 332/2016/HSST ngày 09/9/2016 của TAND TP HCM và Bản án phúc thẩm số 30/2017/1-18PT ngày 24/1/2017 của TAND cấp cao tại TP HCM xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm trong đó có nội dung xử lý đối với tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng TP Đà Nẵng.

Ngày 07/5/2018, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 82/2018/1-18 QĐ-CTHADS, quyết định thi hành án theo yêu cầu của Ngân hàng thương mại TNHH Xây dựng Việt Nam.

Trong quá trình triển khai thi hành bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đối với phần nghĩa vụ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng, cơ quan thi hành án dân sự TP Đà Nẵng đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế và đã nhiều lần báo cáo UBND TP, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố.

Trong quá trình triển khai bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đối với phần nghĩa vụ dân sự liên quan quyền sử dụng đất tại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng, cơ quan thi hành án dân sự Đà Nẵng đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đà Nẵng xin “chuộc” lại Sân vận động Chi Lăng với 1.251 tỷ đồng - Ảnh 1.

Sân vận động Chi Lăng hiện nay. Ảnh: Đức Hoàng

Cụ thể, từ thời điểm năm 2010, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được UBND TP chấp nhận cho đầu tư dự án tại khu vực SVĐ Chi Lăng nhưng nhà đầu tư chưa làm thủ tục đầu tư đối với dự án nên việc giao đất cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là không đúng đối tượng theo quy định pháp luật.

UBND TP không ra quyết định giao đất cho nhà đầu tư mà lại giao Công ty Quản lý và Khai thác quỹ đất Đà Nẵng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Việc giao đất không thực hiện thông qua quyết định giao đất mà bằng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là vi phạm thẩm quyền giao đất cũng như vi phạm trình tự, thủ tục pháp luật đất đai.

Việc cho phép tách thửa để cấp GCNQSDĐ đối với dự án đầu tư chỉ căn cứ vào quyết định phê duyệt, bản đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất mà chưa phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng cũng như chưa phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết là không phù hợp quy định của pháp luật.

Khu đất tại SVĐ Chi Lăng vẫn còn một phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng, còn nhiều hộ dân cơ sở kinh doanh (tại mặt tiền đường Lê Duẩn và đường Hùng Vương) chưa đồng ý với phương án thu hồi của thành phố và chưa bàn giao mặt bằng; một số hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, tại khu vực này còn 04 lô đất thuộc giai đoạn 2 chưa giải phóng mặt bằng và chưa được công nhận quyền sử dụng đất.

Theo Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012 của Thanh tra Chính phủ dự án Khu phức hợp dịch vụ cao tầng SVĐ Chi Lăng được giảm 10% tiền sử dụng đất (với số tiền là 139.304.330.000 đồng) trái pháp luật nên thuộc trường hợp phải truy thu số tiền này để nộp vào ngân sách.

Thành phố đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính vào tháng 3/2018. Đến nay, người sử dụng các lô đất nói trên vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khoản tiền này.

Đà Nẵng xin “chuộc” lại Sân vận động Chi Lăng với 1.251 tỷ đồng - Ảnh 2.

Hiện nhiều hạng mục trong SVĐ Chi Lăng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đức Hoàng

Theo Luật đất đai 2003 thì Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thời hạn sử dụng đất là có thời hạn. Tuy nhiên, 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài, là vi phạm pháp luật đất đai về thời hạn sử dụng đất.

Theo quy định pháp luật về đất đai và Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012 của Thanh tra Chính phủ thì thành phố phải thu hồi những giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.

Khu vực SVĐ Chi Lăng chỉ mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới chuyển quyền sử dụng đất, chưa lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nên người nhận chuyển nhượng không thể đưa vào sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Do đó, khi xử lý tài sản kê biên để thi hành án thì tổ chức, cá nhân nếu mua lại những tài sản này (kể cả các ngân hàng đang nhận thế chấp) cũng không thể đưa vào sử dụng vì bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch chi tiết. Điều này sẽ khiến cho các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thể thực hiện được.

Đồng thời, hiện nay 10 GCNQSDĐ được cấp là không đúng quy định pháp luật, không phù hợp về thời hạn sử dụng đất, người được cấp GCNQSDĐ chưa thực hiện việc chuyển nhượng, do đó phải thực hiện điều chỉnh lại mục đích và thời hạn sử dụng đất cho phù hợp quy định pháp luật đất đai. Đây cũng là một trong những trường hợp vướng mắc khi thực hiện Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tại phiên họp chiều ngày 01/11/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV.

Chính quyền và nhân dân muốn giữ SVĐ Chi Lăng để sử dụng vào mục đích công cộng

Theo UBND TP Đà Nẵng, chủ trương trước đây của TP Đà Nẵng là di dời SVĐ Chi Lăng ra khỏi thành phố để dành quỹ đất có giá trị thương mại cao tại khu vực này phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ mục đích công cộng cho người dân thành phố; đồng thời, giảm gánh nặng về hạ tầng, giảm ách tắc giao thông tại khu vực này trong trường hợp người dân đến sân để cổ vũ các trận thi đấu bóng đá.

Do đó, thành phố đã tiến hành thu hồi đất để đầu tư xây dựng SVĐ Hòa Xuân để thay thế SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên, SVĐ Chi Lăng không chỉ đơn thuần là địa điểm phục vụ các hoạt động thể thao mà còn là một công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của người dân TP Đà Nẵng.

Chính vì vậy, nhân dân, cử tri TP Đà Nẵng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng bằng mọi cách giữ lại khu đất này để sử dụng vào mục đích công cộng của thành phố.

Đà Nẵng xin “chuộc” lại Sân vận động Chi Lăng với 1.251 tỷ đồng - Ảnh 3.

Người dân và chính quyền Đà Nẵng muốn giữ lại SVĐ Chi Lăng để sử dụng vào mục đích công cộng. Ảnh: Đức Hoàng

Vấn đề này Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP đều thống nhất giao UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương tìm hưởng xử lý để giúp TP Đà Nẵng giữ lại khu đất này theo tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhân dân TP Đà Nẵng.

Qua rà soát, UBND TP Đà Nẵng đã nhận thấy được những vi phạm trong quản lý nhà nước về đầu tư, đất đai, xây dựng... đối với dự án Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng. Tuy nhiên, do đây là tài sản thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nên không thể thực hiện thu hồi lại khu đất này để khắc phục những sai phạm đã xảy ra trước đây.

Bên cạnh đó, với những vướng mắc trong việc thi hành án liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng của thành phố như đã nêu trên cho thấy quá trình thi hành án sẽ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực của thành phố, ảnh hưởng tới quyền lợi của người sử dụng đất, người được thi hành án và đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm của nhân dân TP Đà Nẵng. Đồng thời, quá trình thi hành án kéo dài với những vướng mắc, bất cập nêu trên sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Do đó, cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Nộp 1.251 tỷ đồng để "chuộc" lại SVĐ Chi Lăng

Từ đó, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền TP Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án.

Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất nói trên để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền sử dụng đất TP Đà Nẵng thực tế thu nộp ngân sách nhà nước khi giao quyền sử dụng đất là 1.251 tỷ đồng (sau khi giảm 10% là 139 tỷ đồng).

Đà Nẵng xin “chuộc” lại Sân vận động Chi Lăng với 1.251 tỷ đồng - Ảnh 4.

UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính quyền TP Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại SVĐ Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được thi hành án. Ảnh: Đức Hoàng

"Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đều là ngân hàng 100% vốn của Nhà nước. Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, xem xét kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng để cho phép TP Đà Nẵng thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ thi hành án của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại các lô đất thuộc khu vực SVĐ Chi Lăng.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ và phối hợp với UBND TP Đà Nẵng có hướng dẫn kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện nội dung tại phần 1 của kiến nghị, đề xuất trên. UBND TP Đà Nẵng kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tháo gỡ vướng mắc để TP Đà Nẵng xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất tại khu vục SVĐ Chi Lăng nhằm bảo đảm quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân TP Đà Nẵng", Công văn do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký nêu rõ.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ