• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đã qua rồi thời khán giả Việt chuộng các chương trình truyền hình gây tranh cãi

Giải trí 13/10/2022 20:11

(Tổ Quốc) - Những chiêu trò gây tranh cãi của các nhà sản xuất không còn là "cần câu" hiệu quả đối với khán giả Việt.

Tạo tranh cãi - chiêu trò "câu lượt xem" của các nhà sản xuất

Những năm qua, gameshow là "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với khán giả truyền hình. Tuy nhiên, vì quá nhiều chương trình giải trí lên sóng ồ ạt với đủ thể loại từ âm nhạc, thời trang, ẩm thực hay thậm chí là cả thiết kế nội thất…, các nhà sản xuất bắt đầu lạm dụng các tình huống mâu thuẫn, gây sốc, tạo drama (tình tiết kịch tính) để câu kéo người xem. Họ sẵn sàng mang cả đời tư cá nhân lên truyền hình để tạo thêm "hiệu ứng" gay gắt. Ngay cả nhiều thí sinh cũng chịu "diễn" theo kịch bản để mong cầu sự nổi tiếng. Cũng chính vì thế, có thời điểm thị phi trở thành "đặc sản" của truyền hình thực tế. 

Nói đến drama, không thể không nhắc đến Vietnam's Next Top Model hay The Face. Những phát ngôn, tình huống mỉa mai nhau của các huấn luyện viên khi ngồi "ghế nóng" đến cảnh thí sinh đấu khẩu chem chẻm trở thành những phân cảnh thu hút khán giả. Ai càng dám thể hiện cá tính, dám đanh đá, chẳng ngại nhận "gạch đá" thì người đó càng nổi bật. 

Đã qua rồi thời khán giả Việt thích chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 2.

Còn nhớ trong quá khứ Vietnam's Next Top Model mùa All Stars, khoảnh khắc kịch tính xô xát giữa người mẫu Nguyễn Hợp với các đối thủ đã khiến dư luận dậy sóng vì hai bên sẵn sàng có những hành động "đáp trả" chưa từng có trong lịch sử chương trình. "Team Sang" tạt nước vào Nguyễn Hợp khiến đội ngũ sản xuất chương trình phải tổ chức họp để can thiệp. Ngay cả cảnh Thùy Dương bắt Chà Mi bóp chân cũng khiến khán giả không khỏi bức xúc vì màn "hạ thấp danh dự" của nhau.

Đã qua rồi thời khán giả Việt chuộng các chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 2.

Ở chương trình Căn Hộ Trong Mơ, thay vì kiến thức chuyên môn, những gì mà chương trình đem đến cho khán giả ở những tập đầu tiên chỉ toàn là những xung đột, tranh cãi. Các thí sinh cãi nhau nảy lửa đến mức đập đồ, quát tháo. 

Đã qua rồi thời khán giả Việt thích chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 1.

Các nhà sản xuất giải thích rằng họ chịu áp lực rất lớn về tính hấp dẫn, thu hút của chương trình. Nếu chương trình không hấp dẫn, thu hút lượng người khủng thì cũng đồng nghĩa với việc khó bán quảng cáo, doanh thu thấp, ít lợi nhuận. Tuy nhiên, việc lạm dụng yếu tố drama đã khiến nhiều chương trình trở nên thiếu chất lượng, mất đi tính nhân văn của một gameshow truyền hình. 

Sự lên ngôi của những điều chân thật

Đã qua rồi thời "lạm dụng kịch tính thì chương trình mới hấp dẫn", những yếu tố nhân văn, thực tế, hài hước mới là "đích đến" mà các nhà sản xuất đang muốn hướng tới. Hướng đi này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, ngợi khen của người xem. Điển hình, không cần drama chiêu trò, 2 Ngày 1 ĐêmCa Sĩ Mặt Nạ thời gian qua vẫn được khán giả Việt vô cùng yêu mến. 

Ngoài chuyện đặt thử thách dành cho các nghệ sĩ, 2 Ngày 1 Đêm lồng ghép vào đó là mục tiêu quảng bá du lịch, văn hóa nước nhà. Những hình phạt khắc nghiệt, sự tự nhiên, hài hước trong phần tương tác giữa các thành viên, khách mời khi ghi hình 24/24 được cho là các yếu tố giúp 2 Ngày 1 Đêm tỏa sáng.

Đã qua rồi thời khán giả Việt thích chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 3.

Đã qua rồi thời khán giả Việt thích chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 4.

Từ "mối nghi ngại về một chương trình thực tế được Việt hóa", giờ đây, 2 Ngày 1 Đêm đã trở thành "món ăn tinh thần" cực hấp dẫn với khán giả vào dịp cuối tuần

Nổi lên thời gian gần đây nhất phải kể đến Ca Sĩ Mặt Nạ. Từ khi lên sóng, chương trình đã trở thành "làn gió mới" thu hút khán giả yêu thích chương trình giải trí về âm nhạc - thể loại vốn được xem là "món ăn truyền hình" quá quen thuộc trong mắt công chúng. Nhờ cách biến tấu luật chơi độc đáo nhưng cũng không kém phần hài hước, thú vị, Ca Sĩ Mặt Nạ ngày càng được khán giả yêu mến.

Đã qua rồi thời khán giả Việt thích chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 5.

Điểm sáng của chương trình này phải kể đến phần âm nhạc đỉnh cao được hòa âm phối khí mới mẻ, những giọng hát giằng xé đầy nội lực của các ca sĩ khi đeo mặt nạ khiến khán giả nhiều lần phải sởn da gà và vỡ òa. Đặc biệt, hơn cả một sân chơi âm nhạc, Ca Sĩ Mặt Nạ được khán giả đánh giá cao bởi tính chất ý nghĩa của chương trình, đặc biệt là ở phần lộ diện - khoảnh khắc được dàn dựng nhằm tôn vinh các nghệ sĩ. Đây cũng có thể được xem là thông điệp nhân văn - yếu tố thu hút khán giả mới nhưng hấp dẫn của chương trình. Dù dừng chân tại chương trình nhưng các nghệ sĩ đã "cháy hết mình" với niềm đam mê ca hát, phần nào tìm lại được ánh hào quang khi có cả một sân khấu để giãi bày tâm sự, khẳng định bản thân với khán giả. 

Đã qua rồi thời khán giả Việt thích chương trình truyền hình gây tranh cãi - Ảnh 6.

Sự lên ngôi của 2 Ngày 1 Đêm hay Ca Sĩ Mặt Nạ cho thấy khán giả đang dần ngán những chương trình thực tế đầy chiêu trò tranh cãi và mong muốn được thưởng thực những "món ăn tinh thần" hấp dẫn, hài hước, tích cực. Nếu các nhà sản xuất đi đúng hướng, có thể nói gameshow giải trí Việt đã vươn lên một tầm cao mới, không còn là "cái chợ vỡ" như định nghĩa mà khán giả đặt ra như năm nào. 

Ảnh: Ca Sĩ Mặt Nạ, 2 Ngày 1 Đêm, Vietnam's Next Top Model 

Đan Thư

NỔI BẬT TRANG CHỦ