(Tổ Quốc) - Trong ngày 2/11, ngày đầu tiên diễn ra Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, các nghệ nhân của 8 địa phương đã mang đến trình diễn các tiết mục trình diễn trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc.
- 02.11.2024 Khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc
- 31.10.2024 Lạng Sơn sẵn sàng cho Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI
- 18.10.2024 Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc 2024: Kết nối bản sắc và hội nhập
- 27.09.2024 Tích cực chuẩn bị cho Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI
Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông bắc lần thứ XI với chủ đề "Văn hóa vùng Đông Bắc – Bản sắc, hội nhập và vươn xa" là chương trình do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, quy tụ gần 600 nghệ nhân, diễn viên, quần chúng từ các vùng Đông Bắc tham gia.
Trong khuôn khổ Ngày hội, tại Sân khấu phụ Công viên Chi Lăng, đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn, 8 tỉnh thành tham gia bao gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã lần lượt trình diễn các tiết mục là các trích đoạn trong những lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống của dân tộc.
Các hoạt động trình diễn nhằm mô phỏng, giới thiệu những nét tín ngưỡng dân gian đặc trưng, độc đáo, góp phần quảng bá văn hoá, du lịch địa phương đến với cộng đồng.
Mở màn là trích đoạn "Nghi lễ cấp sắc Thầy Tào – Cái Tào" của dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn.
Tào là một loại hình tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Nùng ở Cao Lộc, Lạng Sơn. Thầy tào là người kết nối giữa thế giới thường nhật với thế giới tâm linh, đảm nhiệm việc cúng bái trong các lễ nghi của cộng đồng và cá nhân. Với những vai trò và chức năng như vậy, nên thầy tào là người được cộng đồng kính trọng.
Chia sẻ về phần trình diễn trích đoạn "Lễ đón dâu" của đoàn nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết: Trích đoạn làn điệu hát Quan Làng trong lễ đón dâu là nghi thức xin dâu, đón dâu về nhà chồng. Là người dân tộc Tày, chúng tôi rất muốn mọi người biết đến làn điệu, trích đoạn hát Quan làng của dân tộc chúng tôi trong những dịp đám cưới, mong được lan tỏa sâu rộng hơn nữa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hát Quan làng là một điệu hát nổi tiếng trong phong tục cưới xin của cộng đồng người Tày. Hát Quan làng không có đạo cụ đi kèm mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông Quan làng. Trong một đám cưới truyền thống của người Tày, hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón dâu, nộp dâu, đưa dâu. Pú Quan làng (người hát Quan làng) cũng tùy thuộc mình đại diện cho nhà trai hay gái mà có những bài hát khác nhau.
Đông Bắc là vùng sinh sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc người Sán Dìu với nền văn hóa lâu đời, phong phú.
Tại Ngày hội, các đại diện tỉnh Vĩnh Phúc mang đến biểu diễn tiết mục "Lễ cấp sắc", đây là một nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dịu, xã Yên Sơn. Lễ cấp sắc là nghi lễ để thế giới thần linh chấp thuận, đánh dấu bước trưởng thành và là yêu cầu bắt buộc để trở thành thầy cúng trong văn hóa của người Sán Dìu. Người thụ lễ là nam giới phải có trình độ thành thạo đọc - viết ngôn ngữ Hán Nôm, hiểu và thực hành một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.
Tiết mục Lễ cấp sắc của đoàn Vĩnh Phúc gồm 7 phần: Phần 1 – mời 3 vị thánh về dự, chứng giám; Phần 2 – Xúc cờ, bái sư; Phần 3 – tạo cầu, bắc cầu mời thầy âm, thầy dương; Phần 4 – Hành quan, hành pháp; Phần 5 – đệ tử dâng khăn cho sư phụ; Phần 6 – Người nhà dâng khăn cho đệ tử; Phần 7 – Hợp lệnh, chuyển phép, chuyển đảo, mời ngũ vị thiên lôi chứng giám.
Cũng mang đến một nghi thức dân gian của tộc người Sán Chỉ, "Lễ trưởng thành" do đoàn nghệ nhân Cao Bằng biểu diễn được chuẩn bị vô cùng kỹ lương, đầu tư, mô phỏng công phu.
"Lễ trưởng thành" là một nghi lễ trọng đại của đồng bào Sán Chỉ huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Đây là nghi lễ được tổ chức dành cho thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 9 đến 17 tuổi muốn được coi là người trưởng thành và nhận được sự thừa nhận của dòng họ, cộng đồng.
Các nghi lễ trong Lễ trưởng thành gồm có: Lễ trình diện, lễ lên đèn, lễ giáng sinh, trình diễn múa mặt nạ Kadong. Đây là nghi lễ hàm chứa những ý nghĩa văn hóa sâu sắc, hướng về cội nguồn, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc Sán Chỉ nơi vùng biên cương của Tổ quốc.
Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2024 lần thứ XI sẽ tiếp tục diễn ra trong 2 ngày 3/11 và ngày 4/11 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc./.