(Tổ Quốc) - Gần 4.500.000 tác phẩm tham dự cuộc thi "Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ"; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn liền với thực hiện việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Giao lưu nghệ thuật "Cảm xúc tháng 6" là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Hà Nội: Ban Tổ chức cuộc thi "Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ" đã nhận được gần 4.500.000 tác phẩm gửi về tham dự cuộc thi.
Đây là một trong 9 hoạt động cấp quốc gia kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.
Phát động từ ngày 15/4, cuộc thi được tổ chức với 3 hình thức: Thi vẽ tranh, thi viết và thi trực tuyến. Mỗi thí sinh theo lứa tuổi có thể tham gia 1 hoặc cả 3 hình thức trên ở 2 bảng tiểu học và trung học cơ sở.
Qua hơn 2 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 4.493.134 tác phẩm (gồm 75.023 bài thi viết, 3.731.108 bức tranh, 687.003 bài thi trực tuyến). Không chỉ đạt kỷ lục về số lượng bài dự thi, các tác phẩm dự thi cho thấy nhiều ý tưởng sáng tạo, nội dung phong phú, hình thức sinh động, thể hiện rõ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm lo ân cần của Bác Hồ đối với thiếu nhi và những tình cảm kính trọng, biết ơn của thiếu nhi đối với Bác Hồ.
Bên cạnh đó, các phong trào, các hoạt động thi đua của Đội, như: Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt, Uống nước nhớ nguồn… đã được các em phản ánh rất sinh động.
Ban tổ chức đã lựa chọn trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các em dự thi ở mỗi bảng. Riêng nội dung thi trực tuyến, 260 thí sinh xuất sắc nhất sẽ tham dự vòng chung kết diễn ra ngày 27/6 tại 5 điểm thi trên cả nước (Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và Vĩnh Long).
Hải Dương: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các tác phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội", tỉnh Hải Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn liền với thực hiện việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật của nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 02 trung tâm văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa Xứ Đông dự kiến khánh thành tháng 7/2020, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh); 12/12 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 235/235 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 1.357/1.343 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu dân cư; 01 thư viện tổng hợp cấp tỉnh; 12/12 thư viện cấp huyện, 235 thư viện cấp xã và 1.302 thư viện, tủ sách ở thôn, khu dân cư.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh đầu tư nhiều cơ sở vật chất sân bãi phục vụ các môn thể thao (sân bóng đá sân cầu lông, bể bơi... ), góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân nhất là trẻ em vào dịp hè và sau giờ học.
Phong trào xây dựng làng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hoá, gia đình văn hóa có chuyển biến rõ rệt. Tính đến cuối năm 2019, có 88,6 % hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, có 93,34 % thôn, khu dân cư đạt chuẩn văn hóa; có 81,6 % cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; duy trì mô hình điểm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc kiểm tra, đánh giá hoạt động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, nâng cao tinh thần của các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa cơ sở…
Hải Phòng: Nhân kỷ niệm 95 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), tại Trường quay S3, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đã tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật "Cảm xúc tháng 6".
Đêm Giao lưu nghệ thuật "Cảm xúc tháng 6" chia sẻ những câu chuyện thú vị, những sắc màu cảm xúc của công việc làm báo nói, báo hình mà hơn 60 năm qua các thế hệ phóng viên, phát thanh viên, biên tập viên Đài PTTH Hải Phòng bằng niềm say mê và trách nhiệm nghề nghiệp luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, văn hóa của một cơ quan ngôn luận mà Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố giao phó, với những thông tin chính thống, đa dạng, hấp dẫn của mọi lĩnh vực đời sống, nhiều năm qua thương hiệu THP đã trở thành người bạn thân thiết gần gũi của khán thính giả gần xa, luôn đồng hành trong từng bước đường đổi mới của đất nước và thành phố quê hương.
Với những ca khúc về đất nước, những giai điệu đầy xúc cảm tự hào và lãng mạn về Hải Phòng như: Thành phố Hoa Phượng đỏ, Khúc hoài niệm, Giai điệu Tổ quốc, Khát vọng tình yêu, Radio…; cùng với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc múa Sắc màu Phượng vỹ, tốp ca múa Bài ca người cầm bút… Chương trình giao lưu nghệ thuật đã đọng lại trong lòng mỗi khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, đồng thời qua đó cũng hình dung được phần nào những khó khăn vất vả của các ê kip phóng viên thời sự, phóng viên kênh Giao thông những người chạy đua với thông tin hàng ngày hàng giờ, để có thể mang tới cho công chúng những tin tức kịp thời, nóng hổi, bổ ích và có ý nghĩa định hướng dư luận…