(Tổ Quốc) - Tại phiên họp sáng nay, 2/11 của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đã bày tỏ sự băn khoăn về những khó khăn xung quanh lộ trình tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống hiện nay.
Cần cân nhắc lộ trình tự chủ đổi với các đơn vị nghệ thuật
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn cả nước hiện nay có 115 đơn vị nghệ thuật công đang hoạt động, chưa kể 15 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
ĐBQH Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội). |
Trong số này có 10 đơn vị nghệ thuật được nhà nước giao tự chủ đảm bảo từ 30 - 100% chi thường xuyên. Số các đơn vị còn lại hiện nay gặp rất nhiều khó khăn chưa thể giao tự chủ, khó khăn nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống.
Phải khẳng định, chủ trương giao tự chủ là rất đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Các đơn vị nghệ thuật cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, cần cân nhắc lộ trình sao cho hợp lý để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Đại biểu Ánh cho rằng, các đơn vị nghệ thuật truyền thống, hay các đơn vị nghệ thuật gìn giữ các giá trị văn hóa ông cha ta để lại từ bao đời nay chính là nơi nắm giữ hồn cốt dân tộc.
"Nếu tính bài toán kinh tế thì các đơn vị này không mang lại hiệu quả nhưng nó lại đem lại những giá trị khác lớn hơn rất nhiều. Vậy phải hết sức cân nhắc nên lựa chọn phát triển kinh tế hay gìn giữ bảo tồn văn hóa." - Đại biểu Ánh nhấn mạnh.
Cơ sở xuống cấp, đời sống nghệ sỹ khó khăn, khán giả quay lưng với nghệ thuật truyền thống
Qua khảo sát thực tế cho thấy, các đơn vị nghệ thuật chưa được đầu tư đúng mức. Các đơn vị đóng tại các thành phố lớn sẽ có điều kiện hơn còn các đơn vị ở địa phương thì cơ sở vật chất xuống cấp, kinh phí cấp hàng năm hạn hẹp. Kéo theo đó là hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả khiến khán giả quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống dẫn đến các nghệ sỹ chân chính có thu nhập rất thấp.
Biểu diễn bán vé thì không có người xem, các doanh nghiệp không mặn mà với các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Cuộc sống nghệ sỹ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
"Có nhiều nghệ sỹ hằng ngày họ phải đi làm thêm kiếm tiền còn buổi tối lại hóa thân vào các ông hoàng bà chúa đề thỏa mãn lòng yêu nghề. Có người phải làm xe ôm, buôn bán nhỏ lẻ vì đồng lương không đủ nuôi sống bản thân, gia đình. Thậm chí, đó là những Nghệ sỹ ưu tú, những người có đóng góp lớn cho nghệ thuật nước nhà. Có lẽ đây là nghịch cảnh chua xót của người nghệ sỹ.- Đại biểu Ánh cho hay.
Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật đang được Nhà nước bao cấp về kinh phí mà còn khó khăn như vậy, thử hỏi khi tự chủ thì họ sẽ đi đâu về đâu. Do vậy, thay mặt cử tri lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Đại biểu Ánh đề xuất Quốc hội và Chính phủ, cần quy hoạch lại đơn vị nghệ thuật, rà soát đánh giá để giao tự chủ theo một lộ trình phù hợp.
Riêng với các đơn vị ca, múa, kịch truyền thống, Chính phủ cần giao cho ngành Văn hóa quy hoạch lại theo vùng miền, theo chuyên ngành để đầu tư thích đáng. Cho họ cơ chế phối hợp với Du lịch để quảng bá văn hóa, không thể để họ sống dở, chết dở như hiện nay.
Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Chính phủ giao Bộ, ngành nghiên cứu tính lại bảng lương cho các nghệ sỹ, cần quan tâm đến yếu tố thời gian học nghề dài, thời gian làm nghề cống hiến ngắn. Để tránh lãng phí nguồn lực, cần có giải pháp sắp xếp lương phù hợp, công bằng giúp các nghệ sỹ yên tâm cống hiến.
Lo ngại không có nguồn lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống
Đối tượng thứ hai nếu giao tự chủ sẽ gặp nhiều khó khăn mà Đại biểu đề cập đến đó là các đơn vị đào tạo nghệ thuật trong lĩnh vực văn hóa. Khó khăn thứ nhất đó là quy mô đào tạo của các trường này nhỏ hơn các trường khác vì đây là đào tạo tài năng, năng khiếu.
Cái khó thứ hai là thời gian đào tạo dài, cùng một bậc học nhưng thời gian đào tạo của ngành văn hóa lâu hơn so với những ngành khác từ 2 đến 2,5 lần. Để đào tạo một em có bằng cao đẳng, đại học trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ rất công phu, mất nhiều thời gian so với ngành nghề khác.
Về mô hình đào tạo, tại các trường năng khiếu nghệ thuật chỉ có một thầy một trò, do vậy chi phí đào tạo lớn, rất khác biệt so với hình ảnh một thầy nhiều trò so với các ngành nghề khác.
Một điểm khó nữa mà nữ đại biểu đề cập đến đó là vấn đề Nhà nước đang áp trần thu mức học phí và ngân sách cấp cho các trường, nếu học phí quá cao và thời gian học dài sẽ không có học sinh.
Cùng đó, 'tâm lý của các phụ huynh thời nay không muốn cho con cái mình theo học ngành nghệ thuật mặc dù Nhà nước đã miễn học phí. Đáng lo ngại nhất, là số lượng học sinh theo học ngành nghệ thuật ít thì tương lai sẽ không có nguồn lực để bảo tồn, phát huy những giá trị mà ông cha ta đã để lại", đại biểu Dương Minh Ánh bày tỏ.
Thế Công