(Tổ Quốc) - Theo đại biểu Nguyễn Thành Tiến thì quy hoạch thoát nước của Đà Nẵng chưa dự báo hết được khả năng ứng phó dưới điều kiện thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay, chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.
- 18.12.2018 Đà Nẵng: Vì sao không lấy phiếu tín nhiệm 9 người?
- 17.12.2018 Đà Nẵng: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu
- 09.12.2018 Nhiều giải pháp cấp bách chống ngập úng do mưa lớn ở Đà Nẵng
- 09.12.2018 Đà Nẵng ngập kinh hoàng sau mưa lớn
- 09.12.2018 Mưa lớn, nhiều "xế hộp" ở Đà Nẵng "bơi" trong nước
Tại buổi thảo luận vào sáng 18/12, Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021; liên quan đến vấn đề ngập úng do mưa lớn vừa qua tại Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thành Tiến - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng quy hoạch thoát nước của thành phố chưa dự báo hết được khả năng ứng phó dưới điều kiện thời tiết biến đổi cực đoan như hiện nay, chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.
Đại biểu Tiến phân tích dẫn tới ngập úng trên địa bàn vừa qua: Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm đi số lượng hồ điều tiết tự nhiên trong thành phố, từ 42 hồ còn 30 hồ, tương ứng với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha, với dung tích chứa khoảng 3,5 triệu m3;
Không thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong một thời gian dài, đồng thời chưa kiểm soát tốt tình trạng xả thải nước ngầm lẫn bùn đất của công trình thi công ra cống gây tắc cục bộ.
Chưa có biện pháp để hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn, gây quá tải hạ tầng lên hệ thống thoát nước của đô thị.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến.
Để giải quyết căn cơ vấn đề thoát nước đô thị Đà Nẵng, đại biểu Tiến đề xuất: Cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch tổng thể thoát nước của Đà Nẵng, qua đó nhận diện những khu vực yếu thế, những khu vực phát triển tập trung của đô thị để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào quy hoạch chung thành phố sắp tới. Trên cơ sở quy hoạch, tính toán, nâng cấp các tuyến cống hiện trạng và đầu tư tuyến cống mới đảm bảo năng lực thoát nước cho phù hợp.
Đối với khu vực trung tâm cũ như Hải Châu, Thanh Khê cần tiếp tục đầu tư để khớp nối hệ thống thoát nước hiện có nhằm tăng khả năng chia sẻ thoát nước. Mở rộng một số tuyến cống chính như tuyến đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Hải Phòng, Đống Đa, Phần Lăng…để đảm bảo tăng thêm dung tích chứa của các tuyến này và thông thoáng cho hệ thống thoát nước.
"Đối với dự án thoát nước phía Đông, cần thiết xem xét, đánh giá cẩn thận việc bố trí sát biển sẽ gây nguy cơ và rủi ro cao về ô nhiễm môi trường cho biển. Nên chăng, cần nghiên cứu bố trí dọc theo sông Hàn để dễ dàng đối phó khi có sự cố về thoát nước", đại biểu Tiến nêu.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra giải pháp tại các khu đô thị mới thì cần quy định cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước ở từng khu dân cư;
Cần xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước hiện trạng; kiểm soát nghiêm việc xả thải thi công phần móng của các công trình xây dựng; có lộ trình thay thế đồng bộ các cửa thu nước kết hợp các công tác tuyên truyền để bảo vệ không để rác thải vào cống gây tắc nghẽn cục bộ.
Một đoạn trên đường Nguyễn Văn Linh bị ngập sau trận mưa lớn.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết: Vấn đề ngập úng vừa qua rất nóng với Đà Nẵng. Ông Trung cho rằng, mưa lớn như thế (600mm) thì không có cống rãnh đô thị nào mà thoát kịp được, nên phải chia sẻ với nhau.
"Chúng ta đang ở trong vùng mưa lũ và đang phải đối diện với biến đổi khí hậu, đã có dự kiến, dự báo và có tính toán đến chống ngập bằng việc làm hệ thống cống rất lớn, trạm bơm có, nhưng vẫn chủ quan và chưa đồng bộ.
Vừa rồi mưa to gây ngập, những chỗ ngập đó tôi có đi tới tôi thấy có chỗ lắp bơm thì không có nước, như trạm Thuận Phước có 4 máy bơm nhưng nước không về; trong khi khu vực Thanh Bình thì nước ngập, khu vực hồ Hàm Nghi lại không có bơm. Chỗ đường Trương Chí Cương có 2 máy bơm thì hút được ngay. Tính đồng bộ vẫn chưa đảm bảo. Bài toán muôn thuở chúng ta nêu là mùa nắng làm thủ tục còn mùa mưa đem ra thi công", ông Trung nói.
Theo ông Trung, việc nạo vét hệ thống cống hiện nay cũng có vấn đề, từ đó, ông đề nghị UBND TP nên xem lại vấn đề này.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
"Một năm chúng ta bố trí 83 tỷ, năm nay 85 tỷ đồng cho nạo vét, UBND TP phải kiểm tra xem có đúng nạo vét không? Và ý thức người dân nữa, giờ khổ cái là, cứ có con muỗi bay lên, cứ thấy có mùi hôi chút là lấy giấy ra dán, bịt chặn hết các hố ga. Như thế khi mưa thì nước sao chảy được, chỉ có chảy vô nhà chứ chảy đi đâu nữa", ông Trung nói, buổi thảo luận được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Đà Nẵng. Vì thế, ông Trung đề nghị bà con cử tri chia sẻ là mưa thì quá to, và chúng ta cũng đang trong quá trình phát triển và phát triển nhanh nên còn nhiều bất cập.
"Tôi đề nghị UBND TP rà soát lại quy hoạch của hệ thống nước thải và chúng ta phân kỳ để đầu tư cho đồng bộ, đặc biệt chú ý giải pháp chống ngập", ông Trung cho hay.
Trong lúc đó, trong phần nói về rác thải đô thị, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng thì ý thức của người dân trong vấn đề xả rác cần phải quan tâm. Vì vừa qua, sau đợt mưa lớn (9-10/12), rác thải tràn ngập bờ biển (trong đó chủ yếu rác thải sinh hoạt), nhiều rác gây tắc cống xả. Ngoài ra, ý thức của các cơ sở kinh doanh chưa cao, dù trong hồ sơ giấy tờ thì đầy đủ, nhưng thực tế lại xả dầu mỡ…đầy trong hố ga.
"Trong cơn mưa lớn vừa qua thiệt hại quá lớn, riêng bảo hiểm Bảo Việt họ phải đền 280 xe ô tô bị ngập nước", ông Hùng cho biết.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng.
Vị giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần nâng cao nhận thức người dân, lâu nay họ cứ nghĩ giải quyết vấn đề môi trường chỉ thuộc về cơ quan chức năng (đặc biệt là Sở TN&MT hay là các phòng TN&MT các quận huyện) - nhận thức này chưa đầy đủ.
"Mọi người phải xem đây là nhiệm vụ của mình, đặc biệt, cả hệ thống chính trị chúng ta phải vào cuộc về vấn đề này. Thành phố cũng đã ban hành rất nhiều kế hoạch để giải quyết nhưng nếu mọi người không vào cuộc thì rõ ràng đây là bài toán rất khó và chúng ta phải đối diện vấn đề như đã nói ở trên.
Gần như tất cả các điểm nóng về môi trường hiện nay cũng xuất phát về quy hoạch, thiếu dự báo, nên công tác quản lý cần làm tốt cái này", ông Hùng nói.