• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu hiến kế dùng trái phiếu Chính phủ xây dựng đặc khu hành chính – kinh tế

Thời sự 01/11/2017 17:23

(Tổ Quốc) -“Vốn trái phiếu Chính phủ năm nay mới giải ngân được 30%, nghĩa là tiền bị đọng, không sử dụng mà vẫn phải trả lãi. Vậy tại sao số 70% còn lại không linh hoạt đưa vào cho các dự án như đặc khu kinh tế, nơi đang rất cần vốn?”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế). Dự luật gồm các cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng chung cho ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và có tính đến đặc thù của từng đơn vị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm về xây dựng đặc khu hành chính - kinh tế.

Chính phủ đề nghị xây dựng mô hình chính quyền địa phương cho đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND, UBND và sẽ có trưởng đơn vị. Người này thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Theo đó, trưởng đặc khu có 116 thẩm quyền (ra quyết định của chính quyền theo quy định) trên 13 lĩnh vực như: Tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp... Dưới trưởng đặc khu có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội) cho rằng, nếu hình thành đặc khu hành chính - kinh tế thì quyền của địa phương phải rất cao, có tính tự quyết, độc lập. Vì thế, vấn đề này cần được ủng hộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, chúng ta phải có cơ chế giám sát. Việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương không có nghĩa là giao quyền cho người đứng đầu địa phương đó hay khoán trắng.

Ở đây, quyền lực được giao cho cộng đồng vì mục tiêu phát triển của địa phương đồng thời nằm trong định hướng quản lý chung trong hệ thống quản lý của Nhà nước. Nếu có hệ thống quản lý tốt thì chúng ta vừa phát huy được năng lực, khả năng của địa phương, đồng thời vẫn đảm bảo tính ổn định và nằm trong mục tiêu định hướng chung của quốc gia.

“Cơ chế về kiểm soát quyền lực mới là vấn đề chúng ta cần bàn đến. Chúng ta phải rộng quyền hơn với địa phương nhưng rộng quyền trong một cơ chế kiểm soát và định hướng phát triển như thế nào trong tổng thể của mục tiêu chiến lược quốc gia”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đánh giá về hiệu quả của các khu đặc khu hành chính – kinh tế, đại biểu Cường cho rằng, nếu các đặc khu kinh tế hành chính được hình thành và có những cơ chế phù hợp thì sẽ mang lại ý nghĩa và hiệu quả rất lớn. Tiềm năng, tiềm lực của các đặc khu hành chính – kinh tế được khai thác tối đa sẽ tạo ra sức cạnh tranh hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư phát triển. Từ đó mang lại lợi ích cho tăng trưởng quốc gia và người dân.

“Mỗi khu có tiềm năng khác nhau. Nếu phát triển đúng tiềm năng thì sẽ rất phát triển. Hiện khu Vân Phong đang “trầm” nhất, nhưng nếu phát triển mạnh về logistic thì sẽ trở thành khu phát triển mạnh về lĩnh vực này. Hay như khu Phú Quốc, cần phải phát triển mạnh về hạ tầng để từ đó phát triển du lịch. Hay khu Vân Đồn sẽ phát triển kết hợp cả về sản xuất, công nghiệp, dịch vụ và du lịch”, đại biểu Cường chia sẻ.

Kiến nghị dùng trái phiếu Chính phủ xây dựng đặc khu kinh tế

Vân Đồn nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, ý nghĩa của các đặc khu kinh tế không chỉ là nguồn thu từ thuế, phí mà quan trọng hơn là tính lan tỏa, quy tụ nguồn lực sản xuất, thúc đẩy chuyển giao công nghệ…tạo động lực phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các đặc khu cần đến nguồn vốn rất lớn, dù có huy động các nguồn lực xã hội thì vẫn cần khoản vốn không nhỏ từ ngân sách để xây dựng cơ sở ban đầu.

Theo đại biểu này, vốn trái phiếu Chính phủ năm nay mới giải ngân được 30%, nghĩa là tiền bị đọng, không sử dụng mà vẫn phải trả lãi.

“Vậy tại sao số 70% còn lại không linh hoạt đưa vào cho các dự án như đặc khu kinh tế, nơi đang rất cần vốn?”, đại biểu Tuấn nêu quan điểm.

Ông cũng nói thêm rằng, chẳng hạn mỗi đặc khu cần đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng/năm nhưng so với tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển hàng năm khoảng 1,6 triệu tỷ đồng thì thấy rằng cũng có thể cân đối nguồn lực chung./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ