(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa vẫn được coi chỉ là của ngành văn hóa thì chúng ta phát triển văn hóa sẽ còn khó khăn.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cần tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu
Nêu ý kiến thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cơ bản bày tỏ nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo đại biểu, báo cáo giám sát chỉ rõ có hai tiêu chí đã vượt mục tiêu là tiêu chí về giáo dục và đào tạo và tiêu chí về văn hoá.
"Đây là điều đáng mừng vì từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng ta đã nỗ lực cao nhất để tập trung nguồn lực và sự quan tâm để phát triển văn hoá" - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Bày tỏ lo ngại về thực trạng đạo đức xuống cấp hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu dẫn chứng: "Báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật qua từng năm 2021, 2022 và 2023 cho thấy tội phạm về trật tự xã hội đều có xu hướng tăng.
Trong đó, những tội thể hiện rõ nhất sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giết người đều tăng. Gần đây vẫn tiếp tục diễn ra các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em, giết người bằng các thủ đoạn tàn độc gây rúng động dư luận".
Cùng với đó, các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên áp kịp thời, bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trở thành nỗi lo lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, tất cả những điều này đều liên quan đến văn hoá, là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu.
"Nhưng làm thế nào để văn hóa được chú trọng, để có sự chuyến biến về chất thực sự?" - đặt ra vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa vẫn được coi chỉ là của Ngành Văn hóa thì chúng ta phát triển văn hóa sẽ còn khó khăn.
"Mỗi cá nhân phải coi chính bản thân mình, hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh thì chừng đó chúng mới có sự chuyển biến về chất", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ đồng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu.
Về CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần đặc biệt quan tâm hơn việc hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp.
"Hiện nay đang có quá nhiều những điểm nghẽn về chính sách do không phù hợp thực tiễn, không thể triển khai được, thậm chí có những chính sách xung đột với nhau về quy định giữa bộ này với bộ khác mà trong báo cáo đã nêu rất chi tiết" - đại biểu Việt Nga nói và cho rằng, nếu không tháo gỡ ngay thì sẽ không thể tiến hành tiếp Chương trình và các giải pháp còn lại cũng không thể phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của Chương trình này quá chậm và quá trình triển khai đang có quá nhiều vướng mắc. "Liệu việc lấy mục tiêu giải ngân là đích đến và hệ lụy sẽ là chạy theo thành tích giải ngân, dẫn tới sai phạm hoặc không hiệu quả, lãng phí nguồn lực" - đại biểu Việt Nga lo ngại.
Cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.
Về giải pháp đề ra, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng, việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn còn chậm.
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khung cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, bộ máy chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn chưa có sự thống nhất, chưa phát huy hết trách nhiệm của các chủ thể, các địa phương còn bị động, lúng túng, thiếu quyết liệt, còn tâm lý sợ sai trong triển khai thực hiện./.