(Tổ Quốc) - Sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ và nghiêm khắc hơn, tăng chế tài trong nhiều nội dung, đặc biệt là vấn đề quảng cáo rượu bia.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM). Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu một số nội dung còn thấy băn khoăn, cần được làm rõ đối với dự thảo luật.
Cụ thể, đại biểu này đặt câu hỏi, các nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật mới nhất liệu đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên "thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên" như đã nêu trong Điều 3 hay chưa?
Theo đại biểu này, đối với quy định về quảng cáo, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Cùng với đó là kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
"Khi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay mà các em thường dùng, thì có tới 83% ý kiến trong phần liệt kê đã nhắc nhiều đến một số đồ uống có cồn. Trả lời cho câu hỏi tiếp theo, có đến 87,6% ý kiến các em không nhận biết được đó là đồ uống có nồng độ cồn từ 4,5% trở lên. 70% số trẻ em khi được hỏi sâu về cảm giác sau khi uống đều trả lời rằng "con thấy hơi lâng lâng" hoặc "con thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh". Nhưng nguy hại ở chỗ, gần 80% trẻ đều lựa chọn có thể vẫn tiếp tục dùng vì nó được giới thiệu, quảng cáo là "Nước trái cây có ga" hoặc "nước hoa quả lên men". Điều này có phần trái với việc nghiêm cấm "cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe" được quy định tại điều 5 của Luật này", đại biểu này nêu.
Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ bất ngờ vì dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet vì nội dung này thực tế đang được quy định tại Nghị định số 105/2017 của Chính phủ.
"Đây là một biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia cần được xem xét kế thừa. Không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.
Cụ thể hơn, đại biểu này cho hay, việc kiểm soát tuổi khi người tiêu dùng mua trực tiếp tại quầy tạp hóa, nhà hàng, quán nhậu nếu quyết tâm sẽ dần dần khả thi, nhưng kiểm soát tuổi khi mua trên internet thì vô cùng khó khăn. Các nước phát triển về mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn gặp nhiều lúng túng trong kiểm soát việc gian lận độ tuổi khi mua/đặt hàng, kể cả kiểm soát khi nhận hàng. Trong khi rượu, bia không phải là hàng hóa bình thường mà là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện và cần hạn chế tiêu dùng, vì vậy ta cần tạo ra các rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng, không nên tạo thêm cơ hội tăng tính sẵn có của rượu bia cho người tiêu dùng nói chung, đặc biệt là cho trẻ em, vị thành niên và phụ nữ.
Cũng vì thế, luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên.
"Chúng ta không thể "hồn nhiên" loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại "hăm hở" đưa vào các điều "cấm" mà thực tế lại không diễn ra. Tôi không nghĩ dự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ xót yếu tố kỹ thuật, "chân nọ xọ chân kia" tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng về khung pháp lý được xem như "xương sống", và "trục lái" của một bộ luật đã gần như mất đi sự tỉnh táo, cứng rắn so với dự thảo cũ", đại biểu tỉnh Phú Yên nêu quan điểm.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện căn bản vấn đề phòng, chống tác hại của rượu bia, đó chính là xây dựng văn hoá. Vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao tuân thủ pháp luật, ý thức xã hội, trách nhiệm với gia đình xã hội. Từ đó xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, ép nhau uống rượu bia....
Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cơ bản thống nhất với dự thảo lần này, tuy nhiên, đại biểu này cho biết dự luật nên lấy tên là Luật Kiểm soát rượu bia thay cho Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bởi luật đưa ra lần này đã được kiểm soát trên nhiều khía cạnh.
Đại biểu này cũng cho rằng nên hạn chế quảng cáo rượu bia. Cùng với đó, cần tiếp tục đề nghị có lộ trình ghi nhãn phụ, lô gô trên sản phẩm như: "uống rượu bia không tốt cho sức khoẻ", "cấm sử dụng đối với người dưới 18 tuổi"...
"Chúng ta lo việc làm nhãn phụ, lo go thì sẽ tốn kém cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp đã bớt quảng cáo rất nhiều nên không sợ họ tiếc tiền để làm những logo, nhãn phụ này đâu", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Theo đại biểu này, giá rượu của Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều nước, rượu thủ công lại càng rẻ nên cần tăng thuế đối với mặt hàng này.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) (Nguồn: Zing.vn)
Nhìn nhận một cách đa chiều hơn, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã bấm nút tranh luận. Ông cho rằng báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có dấu ấn quá nặng của Bộ Y tế, thậm chí là "không công bằng".
Cho rằng phải đánh giá hết các tác hại và mặt trái của rượu, bia và cá nhân ông cũng đồng tình với chế tài thậm chí còn nặng hơn trong dự thảo Luật, tuy nhiên ông Dương Trung Quốc cho rằng điều cần phải xem xét đầu tiên là về năng lực quản lý.
"Dường như cách đặt vấn đề của chúng ta đang né trách về năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, năng lực kiểm soát của nhà nước cũng như năng lực kiểm soát của mỗi cá nhân", ông nói.
Đại biểu này tiếp tục khẳng định: "Nếu chúng ta thông qua dự luật này thì chúng ta thôi xem bóng đá đi, vì Heniken là nhà tài trợ cho bóng đá Ngoại hạng Anh. Người dân có cần sức khỏe không? Rất cần, nhưng vẫn thức đến 3 giờ sáng để xem đá bóng và mong muốn xem đá bóng. Vì vậy mong chúng ta nhìn nhận hết sức khách quan. Đừng cực đoan, cục bộ".