• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2%

Thời sự 25/05/2024 11:19

(Tổ Quốc) - Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp là điểm sáng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát.

Đại biểu nêu rõ, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Theo đại biểu Mai Văn Hải, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường…Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.

Qua xem xét các báo cáo và tình hình thực tiễn, đại biểu Mai Văn Hải nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng y tế; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm; tiến độ giải ngân một số dự án không bảo đảm theo thời gian của Nghị quyết dù đã được cho phép kéo dài; một số chính sách thực hiện không đạt mục tiêu đề ra. Đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, còn lúng túng.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% - Ảnh 2.

Cũng theo đại biểu Mai Văn Hải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Từ những phân tích trên, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất một số vấn đề. Trong đó, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.

Phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là quan trọng

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đánh giá, quá trình thực hiện Nghị quyết 43 cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng.

Đại biểu lấy ví dụ việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%, nhưng lại cứng nhắc phụ thuộc vào Quốc hội và phụ thuộc vào Nghị quyết 43. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm "giáp hạt" đối với doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% - Ảnh 3.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành rất cụ thể. Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay nên tính đến việc giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, điều này có thể giúp cho ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn…

Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, nhưng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, dịch COVID-19 từng bước kiểm soát và kết thúc, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng vượt mong đợi.

Trong 2 năm thực hiện, đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành đã góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 05 quan điểm, 03 mục tiêu của Nghị quyết số 43, phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát.

Đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% - Ảnh 4.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng cho rằng, mặc dù triển khai quyết liệt, nhưng một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 07 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra. Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, nêu những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Đại biểu đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43 như Dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

Để Nghị quyết 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị, đề xuất đến Quốc Hội, Chính Phủ cần quan tâm chỉ đạo 03 nội dung:

Một là, nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại hạn chế nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát.

Hai là, ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp tại phụ lục 5 ban hành kèm theo Báo cáo của Đoàn giám sát.

Ba là, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ