• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ

Thời sự 31/05/2022 12:36

(Tổ Quốc) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Sáng 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo, thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội.

Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không ngăn chặn, cản trở phổ biến, sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca - Ảnh 1.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. - Ảnh: Quốc hội

Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả ; cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Về đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì liên quan đến một số đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đặc thù của đối tượng quyền tác giả.

Liên quan đến việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau: "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.".

Về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thống nhất với ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật chỉnh lý cụ thể, chặt chẽ hơn quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 198b theo hướng: xác định các trường hợp được miễn trừ, làm rõ và minh bạch hơn các điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để được hưởng quyền miễn trừ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế có liên quan trong Hiệp định EVFTA.

Đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật lần này.


Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: Quốc hội

Góp ý về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp xử phạt vi phạm chính đã có những ưu điểm vượt trội so với việc giải quyết thủ tục tố tụng hình sự như trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã phân tích rất rõ. Theo đại biểu, tại Khoản 2, Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể cái hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và thủ tục xử phạt.

Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, quy định như vậy là linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế sự phát triển của xã hội. Đại biểu cũng đề nghị giữ quy định này như hiện hành.

Góp ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đại biểu Quốc hội đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) - Ảnh: Quốc hội

Liên quan đến đề xuất thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), đại biểu tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giữ nguyên như Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý vì biện pháp xử lý hành chính, thủ tục đơn giản nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Theo đại biểu, việc này không những đảm bảo bảo vệ quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo trật tự quản lý hành chính. Đại biểu cho biết thêm, việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ