• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

Thời sự 01/11/2022 10:28

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 1/11, dưới sự điều hành Phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp buổi sáng 1/11

Giao dịch tiền ảo là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển.

Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung cụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế)

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo thì sẽ phù hợp hơn với các thời hạn báo cáo, thời hạn thì họ giao dịch.

Lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) nhận thấy hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kĩ lưỡng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản - Ảnh 3.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An)

Đại biểu cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, các giao dịch bất động sản có thể được thực hiện qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Do đó, Ban soạn thảo cần bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Vì vậy cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.

Cần làm rõ hơn khái niệm “rửa tiền”

Cho ý kiến tại hội trường, Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, thông thường rửa tiền có thể chia thành các bước như: gửi tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính, thiết kế các giao dịch để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các khoản tiền, sử dụng tiền để mua bất động sản hoặc đầu tư thương mại. Vì vậy, dự thảo Luật cần làm rõ hơn khái niệm “rửa tiền”, để làm rõ hơn bản chất của hành vi này.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản - Ảnh 4.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh)

Về biện pháp phòng, chống rửa tiền, đại biểu đề nghị bổ sung, làm rõ nội dung về xác định khách hàng giao dịch không thường xuyên tại điểm b, khoản 2, Điều 9, cần giải thích rõ khách hàng giao dịch không thường xuyên là các tài khoản không giao dịch trong thời gian bao lâu, cần xác định thời gian cụ thể để được hiểu thống nhất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, biện pháp để giám sát, cảnh báo, điều tra kịp thời.

Theo quan điểm của đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa), việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động của thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Do vậy, việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền vào dự thảo Luật lần này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn, đặc biệt là khuyến nghị và báo cáo kết quả đánh giá, đại biểu đề nghị bổ sung quy trình đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền.



Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ