• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: Giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí

Thời sự 31/10/2022 16:15

(Tổ Quốc) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí và cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững.

Ngày 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho rằng, từ khi ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm đã mang lại những kết quả rất tích cực, giúp cho việc quản lý, sử dụng nguồn lực công tiết kiệm, hiệu quả có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các năm qua.

Theo báo cáo giám sát giai đoạn 2016 - 2021, ban hành hệ thống chính sách pháp luật tiêu chuẩn, định mức chương trình kế hoạch khá toàn diện, đầy đủ phục vụ quản lý, điều hành.

Đại biểu Quốc hội: Giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) phát biểu thảo luận.

Đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy trong tất cả các lĩnh vực được giám sát đều có những vướng mắc, bất cập, lãng phí đòi hỏi phải sớm có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Với mong muốn việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả tích cực hơn, đại biểu Lê Minh Nam kiến nghị những điểm mờ trong quản lý thì cần phải đặc biệt quan tâm, thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức trách nhiệm và hiểu biết về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Đại biểu chỉ rõ: Một là cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hai là, phải tăng cường giáo dục ý thức xác định rõ trách nhiệm đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ ba là cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững.

"Đối với nội dung này, tôi còn băn khoăn với thực trạng một số tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã lạc hậu từ lâu, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi và để hoàn thành nhiệm vụ, bắt buộc người thực hiện phải biến báo, để không sai quy định. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thường xuyên, liên tục ở diện rộng thì sẽ dễ tạo thành thói quen, nề nếp, và nguy hiểm hơn là tạo nên văn hóa, vận dụng cho cả những nội dung công việc khác, vì vậy cũng cần quan tâm, để sớm khắc phục tồn tại này", đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội: Giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí - Ảnh 2.

Phiên thảo luận sáng 31/10.

Đại biểu Lê Minh Nam cũng bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo kết quả giám sát như đã chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết để kiến nghị khắc phục như việc chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời văn bản còn chồng chéo, vướng mắc, không phù; đã chỉ rõ địa chỉ, nguyên nhân nhằm tháo gỡ các nút thắt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của nhiều dự án chậm tiến độ. Đặc biệt, Đoàn giám sát cũng đã đề xuất từ năm 2023 phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong Nhân dân.

"Theo tôi, đây là đề xuất quan trọng, đồng thời với việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tuân thủ pháp luật, cuộc vận động và phong trào thi đua sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và xây dựng văn hóa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, hiệu lực, thực chất và đạt được nhiều thành tựu cao hơn. Cũng rất mong qua kết quả giám sát lần này và sau khi thông qua Nghị quyết giám sát của Quốc hội, việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được thực hiện chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hơn", đại biểu nêu ý kiến.

Giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí

Nhất trí với Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) bày tỏ băn khoăn hiện tượng lãnh phí trong lĩnh vực công nhiều hơn và trầm trọng hơn khu vực tư.

Theo đại biểu, có một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc chấp hành mọi quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí mà trước tiên phải thuộc về lối sống và ý thức, đó là lối sống văn minh, văn hóa, là ý thức luôn luôn đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia, của dân tộc lên trên.

"Theo tôi, bên cạnh việc chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí như báo cáo đã nêu thì còn cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người và đối tượng không chỉ là cho học sinh các trường phổ thông.

Khi con người sống vị kỷ nhiều hơn thì dường như cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của ý thức cá nhân, bên cạnh mặt tích cực là những tác động tiêu cực, là sự thờ ơ với việc chung để chăm lo cho việc riêng, mà việc lãng phí vẫn xảy ra rất nhiều tại khu vực công là những ví dụ điển hình. Cho nên, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong báo cáo, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ và Quốc hội quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh", đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội: Giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu ý kiến thảo luận.

Đại biểu nhắc lại, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cũng đã nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc chúng ta cần tập trung hơn nữa cho việc phát triển văn hóa và cho rằng khi chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí và đặc biệt là trong khu vực công phải làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề.

"Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm.

Tôi nhất trí với các kiến nghị của Đoàn giám sát đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống, tiết kiệm, chống lãng phí cho học sinh, sinh viên", đại biểu bày tỏ.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ