(Tổ Quốc) - Sáng 28/10, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại
Là đại biểu đầu tiên phát biểu trong phiên thảo luận buổi sáng, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, sau khi nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, ông thấy rằng Việt Nam đã đạt được 3 thành công lớn trong 9 tháng vừa qua.
Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thứ hai, kinh tế phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh trong hoàn cảnh khó khăn. Thứ ba, bối cảnh thế giới nhiều biến đổi khó lường, nhưng đất nước ta vẫn giữ được ổn định với đường lối ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đường lối ngoại giao Cây tre, giữa những mâu thuẫn, Việt Nam không chọn phe, mà chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đất nước vẫn còn những vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Trước hết, về y tế, đại biểu cho biết, nền y tế đang chao đảo, nhân lực y tế chuyển khỏi khu vực công, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho bệnh viện đang đứt gãy, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Y tế cần tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
Đại biểu cũng cho biết, gần đây, xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại, suy thoái. Việt Nam cần một nền giáo dục tôn sư trọng đạo, một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này.
Về những cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức.
Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19.
Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế.
Theo đại biểu, nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Vì trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%. Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình.
"Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp" - đại biểu nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1/1/2023.
Hoàn thiện chính sách để kẻ xấu không có cơ hội vi phạm pháp luật trên mạng xã hội
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) bày tỏ quan tâm đến thực trạng, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ, đây là một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.
Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92 %, Facebook tỷ lệ sử dụng là 91,7%, tiếp đến là Zalo 76,5%... Điều này cho thấy mức độ phổ biến của mạng xã hội rất rộng rãi.
Đại biểu đề nghị cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, phối hợp với nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục định hướng để biết cách khai thác thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội; giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng và kiểm soát hành vi, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội, qua đó giúp cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị của chân thiện mỹ, hình thành thói quen sống tích cực, lành mạnh, có hành động đẹp…
"Các cơ quan chức năng cần có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội" - nữ đại biểu này đề nghị.