• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hai Bộ trưởng giải trình về tình trạng cán bộ nghỉ việc, thiếu cán bộ

Thời sự 27/10/2022 20:45

(Tổ Quốc) - Chiều 27/10, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã tham gia giải trình trước Quốc hội về vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý.

Cán bộ nghỉ việc trong 2 năm đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia

Giải đáp các băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới, như tại các nước Anh, Pháp, Mỹ , Úc và các nước khối ASEAN đều cũng phải đối mặt với vấn đề này.

Hai Bộ trưởng giải trình về tình trạng cán bộ nghỉ việc, thiếu cán bộ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. 

Đồng thời thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà xác định cần trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.

Thiếu giáo viên do thời gian dài không được tuyển

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, hai vấn đề này khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Hai Bộ trưởng giải trình về tình trạng cán bộ nghỉ việc, thiếu cán bộ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Làm rõ về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 giáo viên. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc. Con số này tính toán cần bù đắp để vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, hơn thế là để tính toán thực hiện các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng. Một trong ba yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng là nhân tố giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình, phương pháp.

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu thiếu do tăng dân số tự nhiên. 

Từ tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học của năm 2015 là trên 19.000.000 học sinh. Nhưng đến tháng 9/2022, khi bắt đầu năm học là trên 23.000.000 học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 có 1.156.000 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9/2022 có 1.227.000 giáo viên. Có thể thấy, số giáo viên nhiều hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng trên 3.000.000. Bộ trưởng cho rằng đây là tình trạng thiếu do vấn đề tăng số học sinh do tăng dân số tự nhiên.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền dồn về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục và thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non bậc năm tuổi thiếu; thiếu do việc tăng số buổi học từ một buổi lên hai buổi tmột ngày và do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh; tỷ lệ số học sinh trên lớp cần đảm bảo chuẩn 35 giáo viên cho bậc tiểu học và 45 học sinh trên lớp của bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019. Có thể nói, muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp.

Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác, còn vấn đề là thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu, các Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. 

Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ