• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Kinh tế 27/10/2022 16:40

(Tổ Quốc) - Đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, cả nước trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu cũng thấy mắc như các đại biểu đã nói, giải ngân rất chậm. Đơn cử như qua giám sát đầu tư công cho thấy dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2, Bộ Y tế báo cáo dự án đang triển khai thì phải dừng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nơi đặt dự án yêu cầu.

Trong phiên thảo luận hội trường của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra sáng 27/10, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đã nêu ý kiến về vấn đề đầu tư công

Dự án đang triển khai, chủ tịch xã yêu cầu dừng vì trùng quy hoạch mới

Theo đại biểu, chúng ta quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 lại thấp hơn với cùng kỳ năm 2021, năm bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2: Bộ Y tế đang triển khai thì chủ tịch xã yêu cầu dừng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh

Bày tỏ thống nhất với 3 nhóm, 25 thách thức khó khăn, vướng mắc trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Lê Hoàng Anh cũng cho rằng, cần phải quyết liệt xử lý đối với từng dự án một. Cả nước trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu cũng thấy mắc như các đại biểu đã nói, giải ngân rất chậm.

Đơn cử như qua giám sát đầu tư công cho thấy dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2, Bộ Y tế báo cáo dự án đang triển khai thì phải dừng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nơi đặt dự án yêu cầu, Bộ Y tế cho biết dừng là do địa phương điều chỉnh quy hoạch, dự án trùng với quy hoạch mới.

"Có ý kiến của cử tri phản ánh quy hoạch mới phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương, phục vụ cho du lịch tâm linh của doanh nghiệp, điều này nếu đúng thì cần phải xem xét để xử lý một cách hài hòa, thỏa đáng" - đại biểu nêu.

Dự án phục vụ bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân, của con người cần được ưu tiên, đặc biệt là việc chăm lo cho người cao tuổi, đó chính là chăm lo cho bố mẹ, ông bà của chúng ta. Đây cũng là đạo lý, là truyền thống "ăn quả nhớ người trồng cây".

"Tôi rất vui mừng vì Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát, cho ý kiến chỉ đạo và tôi mong rằng dự án này ngay trong năm nay có thể tiếp tục triển khai và giải ngân vốn đầu tư" - đại biểu nhấn mạnh.

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, đại dịch COVID-19 được đẩy lùi một cách cơ bản trên phạm vi cả nước, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; chỉ số giá tiêu dùng và tỷ giá được kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra; vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư toàn xã hội tăng cao với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2: Bộ Y tế đang triển khai thì chủ tịch xã yêu cầu dừng - Ảnh 2.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh)

Bày tỏ đồng thuận với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trong năm 2023, đại biểu cũng đề xuất thêm một số giải pháp, trong đó, cần phát huy trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị gắn với quản lý khoa học, nhất là người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Các ngành, các địa phương cần chủ động nắm chắc những vướng mắc trong cơ chế và tháo gỡ theo thẩm quyền, kịp thời kiến nghị với các cơ quan chức năng những vấn đề vượt thẩm quyền, đảm bảo cho việc hấp thụ vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất.

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) nêu vấn đề, việc phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ngay sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương cũng đã xác định đây là nhiệm vụ quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia và là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2022, các địa phương trong cả nước đã tích cực, chủ động trong việc điều hành để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã gặp phải những vấn đề như việc ban hành một số các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện và tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương cho các địa phương đối với các chương trình mục tiêu quốc gia cả về vốn đầu tư và vốn sự nghiệp còn chậm, tập trung chủ yếu vào thời điểm nước rút các tháng cuối năm của năm 2022.

Đại biểu cho biết thêm, từ nay đến cuối năm cả nước vẫn còn khoảng 280.000 tỷ đồng cần phải đầu tư giải ngân với khối lượng công việc rất lớn, đây là những khó khăn, vướng mắc, tạo áp lực rất lớn cho các địa phương trong công tác giải ngân, khó có thể hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Bên cạnh đó, tại các địa phương, đặc biệt là những huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do có vị trí địa lý, địa hình, thổ nhưỡng không thuận lợi, cũng như cùng với đó là thời tiết diễn biến hết sức phức tạp trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, trình tự xây dựng cơ bản còn nhiều bước, một số công trình vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, năng lực thực thi còn hạn chế, nhiều dự án mới nên đòi hỏi thời gian cần chuẩn bị dài. Đây cũng được đánh giá là những khó khăn không nhỏ trong việc thực hiện việc giải ngân./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ