(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã bày tỏ sự băn khoăn về việc người dân không đủ thực phẩm để sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán 2020 sau thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường sáng 6/11, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đã bày tỏ lo lắng về việc, sau dịch tả lợn châu Phi, người dân sẽ không đủ thịt lợn để sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán 2020 sắp cận kề.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi, Bộ NN&PTNT đã có giải pháp gì để tái tạo đàn lợn nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề này đã được Bộ NN&PTNT tính đến ngay từ lúc dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Cụ thể, ngay từ tháng 3/2019, Bộ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này, trong đó, tập trung phân tích giải pháp ngăn chặn dịch và phương án tái tạo đàn lợn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giải pháp được đưa ra tập trung vào 3 vấn đề chính đó là: Đảm bảo an toàn dịch bệnh – Tổ chức sản xuất chuỗi – Thị trường tiêu thụ.
Về tổ chức sản xuất chuỗi, Bộ đã đề nghị các HTX, doanh nghiệp cùng tham gia vào sản xuất để hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, việc kiểm soát dịch bệnh phải được quan tâm trước hết, phải đảm bảo kiểm soát dịch thì mới cho tái tạo đàn.
"Sau khi dịch đã chạm đáy thì chúng tôi mới chỉ đạo cho các địa phương tập trung sản xuất, tái tạo đàn lợn nhằm đảm bảo nhu cầu cho nhân dân. Ngoài ra, cũng phải tính đến thị trường là tiêu thụ ở đâu chứ không để sản xuất ồ ạt" – Bộ trưởng nói.
Văn hóa ăn thịt lợn của người dân đã quen rồi nên cũng phải tuyên truyền để người dân hiểu được tình hình hiện nay. Việc giá cả tăng từ 40 – 45 ngàn đồng/kg lên 60 – 65 ngàn đồng/kg thịt lợn thì cũng phải tạm thời chấp nhận.
"Bởi, trong tình cảnh hiện nay thì chi phí sản xuất có cao hơn trước. Để đảm bảo đàn lợn sạch thì người sản xuất phải đảm bảo các điều kiện về sinh học rất nghiệm ngặt để tránh dịch bệnh tái phát" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.
Cũng theo vị Bộ trưởng này, để đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho người dân, Bộ cũng chỉ đạo tăng lượng sản xuất các loại thực phẩm khác như gia cầm (đã tăng 12% sản lượng); thủy sản (tăng 6,5% sản lượng) và 4% đàn gia súc.