(Tổ Quốc) - Bên lề phiên thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế, xã hội sáng 22/5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Triệu Thế Hùng - Lâm Đồng đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về câu chuyện tăng giá điện hiện nay.
- 22.05.2019 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình lý do tăng giá điện đúng mùa nóng
- 06.05.2019 Hôm nay, bắt đầu thanh tra việc tăng giá điện của EVN theo chỉ đạo của Chính phủ
- 04.05.2019 Trước dư luận, lần đầu tiên Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích rõ ràng về việc tăng giá điện
- 04.05.2019 Lập 3 đoàn kiểm tra việc tăng giá điện
- 21.03.2019 Nóng: Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân tăng giá điện?
- Thưa ông, thời gian qua Thủ tướng đã chỉ đạo việc tăng giá điện có lộ trình, nhưng trên thực tế, dư luận đang đặt câu hỏi việc tăng giá điện mà các cơ quan chức năng thực hiện có theo lộ trình không và quan điểm của ông về vấn đề tăng giá điện như thế nào?
+ Thời gian qua, cử tri đều lo lắng về tình hình tăng giá điện.
Theo lý giải của cơ quan quản lý lĩnh vực này trả lời trên báo chí tôi thấy rất thiếu thống nhất, hôm nay vị này trả lời thế này, mai vị khác trả lời thế kia và không trả lời nào có thể thuyết phục được về giá điện nên người dân càng hoang mang.
Các câu trả lời về điện không nhất quán, có câu trả lời là làm sai sẽ xin lỗi và sửa sai, chúng tôi cho rằng không đơn thuần như thế, "anh" có dám đánh cược trong các vấn đề "anh" sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật khi Chính phủ tìm ra câu chuyện mà "anh" làm sai không? Vì ở đây không phải là làm sai và sửa sai mà khi ban hành ra chính sách nào mang lại hệ lụy, có tác động tới xã hội tức là "anh" phải có một căn cứ khoa học, nghiên cứu kỹ. Ngoài ra "anh" phải tạo ra sự đồng thuận của người dân, xã hội bằng rất nhiều kênh. Chứ không phải là câu trả lời: nếu sai thì làm lại và xin lỗi.
ĐBQH đoàn Lâm Đồng Triệu Thế Hùng.
- Tức là theo ông chúng ta cần phân tích rõ các vấn đề của ngành điện hiện nay?
+ Tôi rất tán thành Thủ tướng và Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh trong vấn đề này để thể hiện vai trò của Chính phủ kiến tạo.
Chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải đánh giá lại, minh bạch hóa xung quanh các vấn đề ngành điện, nhất là việc đầu tư cho ngành điện và Quốc hội phải có một giám sát tối cao về vấn đề này.
Đó là đánh giá lại chi phí lâu nay về ngân sách đầu tư cho ngành điện. Bên cạnh đó ta thu được gì từ năng suất của ngành điện để cho thấy thành tích của ngành điện như thế nào, đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân ra làm sao. Một mặt khác cũng phải nhìn nhận hạn chế của ngành điện như những dự án thủy điện không hiệu quả, tác động tới môi trường như thế nào, mất đất rừng như thế nào?
Bên cạnh đó, việc mua bán điện với các nước láng giềng để người dân có sự chia sẻ.
Hay việc nêu ra căn cứ, lý giải tăng giá điện như thế nào thuyết phục với người dân, chứ không phải vào mùa hè- mùa sử dụng nhiều điện của người dân để tăng giá điện. Tôi cho rằng đó là vấn đề thời điểm. Đến lúc này, chúng ta phải rõ ràng việc đó.
Khi tìm ra nguyên nhân, hạn chế, tồn tại thì người dân sẽ tin vào những giải pháp được đưa ra trong thời gian tới, năm tới. Trong giải pháp đó có câu chuyện gì để chống độc quyền của ngành điện không?
Tìm ra được nguyên nhân thì mới có câu trả lời, giải pháp cho những quý sắp tới, năm sắp tới. Sáng nay thảo luận tổ thì chúng tôi mới được gửi tài liệu về ngành điện, các ĐBQH không phải ai cũng ở lĩnh vực này để hiểu.
Đề nghị Chính phủ có cuộc thanh kiểm tra tổng thể, toàn diện ngành điện để có lý giải, trả lời minh bạch về những vấn đề đầu tư cho ngành điện như thế nào, đầu tư cho hàng ngàn thủy điện ra sao, khối tư nhân tham gia vào đây với tỷ trọng nhỏ....
- Thủ tướng đã chỉ đạo thanh kiểm tra toàn bộ ngành điện. Ông kỳ vọng nhất điều gì từ kết quả thanh tra này?
+ Tôi kỳ vọng có câu trả lời thỏa đáng đối với người dân về vấn đề chính sách đầu tư cho ngành điện, mua bán điện cũng như chính sách giá điện cung cấp cho người dân để dù chúng ta có tăng hay giảm một cách hợp lý thì người dân đồng thuận, chúng ta sẵn sàng chi trả.
- Xin cảm ơn ông!