• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội: "Mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả"

Thời sự 02/06/2022 06:59

(Tổ Quốc) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Xót xa khi nhiều lao động không có khả năng chi trả tiền khám bệnh

Phát biểu tại buổi thảo luận, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, trong thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn công nhân lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và sau đại dịch.

Đại biểu Quốc hội: "Mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả" - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

Đại biểu dẫn số liệu điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1-2 lần/tuần; 34% chỉ ăn thịt, cá 3 lần/tuần; 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Và thật xót xa khi còn nhiều NLĐ không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả.

Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022 cho thấy, chỉ có khoảng 55% NLĐ cho biết có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.

Trong hai năm 2020 và 2021, để chia sẻ với khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của NLĐ không tăng. Từ ngày 01/7/2022, Theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay là hơn 6%, do đó, thực chất việc tăng lương không đủ bù đắp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian gần đây, mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả.

"Công nhân lao động cũng như nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của Quốc gia" vị đại biểu đoàn Lạng Sơn nói và cho rằng, để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giao cơ quan độc lập để công bố hoặc phản biện mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố nhằm tăng cường tính khách quan, khoa học. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Chính sách đúng, nhân văn nhưng sao vì sao triển khai chậm?

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), hiện tại, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, xã hội đã dần trở lại cuộc sống bình thường. Những khó khăn mà đại dịch gây ra cũng đang từng bước được giải quyết.

Đại biểu Quốc hội: "Mức tăng lương tối thiểu khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả" - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Vị đại biểu này cho rằng, đối tượng công nhân, người lao động được Đảng, Nhà nước quan tâm với những chính sách cụ thể. Để hỗ trợ phần nào khó khăn của người lao động, cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, số tiền hỗ trợ để công nhân thuê nhà trọ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỉ đồng. Dự kiến trên cả nước sẽ có 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách này.

Vậy nhưng sau hơn 2 tháng triển khai, tiến độ giải ngân chính sách này vẫn còn rất chậm. Theo số liệu từ Bộ LĐTBXH, trên cả nước mới có khoảng 10.000 lao động được nhận hỗ trợ (chiếm tỉ lệ 0,3%) với số tiền 33 tỉ đồng.

"Một chính sách hết sức đúng đắn, nhân văn nhưng vì sao chúng ta triển khai chậm? Đề nghị Bộ LĐTBXH báo cáo cụ thể và nêu những giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất" - vị đại biểu đoàn Bình Thuận nêu ý kiến.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đề nghị xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội cũng như khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ